Thổi hồn cho rối cạn

Tự sáng tác kịch bản, làm con rối và dựng vở diễn, trong nhiều thập kỷ qua, nghệ sĩ Dương Văn Học dành tâm sức biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật múa rối cạn. Với ông, con rối là những người bạn, là phương thức để giáo dục trẻ thơ và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại.

Độc diễn múa rối cạn

“Đây là những con rối do tôi làm ra, gắn bó với cuộc đời nghệ thuật và như những người bạn cùng tôi trong những chuyến đi biểu diễn ở trong nước và quốc tế...” - nghệ sĩ Dương Văn Học vừa nâng niu từng con rối vừa giới thiệu với chúng tôi. Đa số con rối được ông lấy cảm hứng từ các con vật và nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.

Nghệ sĩ Dương Văn Học giới thiệu "những người bạn rối" của mình. Ảnh: Th. Nguyên

Học trường múa và tình cờ đến với rối cạn, nghệ sĩ Văn Học cho biết: “Con rối với trẻ thơ như những người bạn, nên tôi theo đuổi việc dạy trẻ bằng con rối, cho trẻ học mà chơi”. 40 năm qua, ông đã theo đuổi múa rối theo cách riêng của mình - độc diễn múa rối cạn (một mình điều khiển con rối trên sân khấu).

Miệt mài đi trên con đường này, nghệ sĩ Văn Học tự xây dựng kịch bản, làm con rối và biểu diễn. Theo ông, nét độc đáo của nghệ thuật rối cạn đến từ ngay cách thức làm ra con rối. Có khi làm con rối đến lần thứ tư, thứ năm, nghệ sĩ mới ưng ý. Rối có thể làm từ nhiều chất liệu như: gỗ, xốp, bằng mây tre đan. Có những con rối được ông tạo hình từ chiếc gầu trần, rổ tre, mẹt… rồi tự tay thiết kế, may trang phục và “trang điểm” cho rối. Khi đã xây dựng ý tưởng kịch bản, có trong tay những con rối, ông bắt đầu dựng vở diễn. Một số vở rối ông viết cho thiếu nhi được dàn dựng công phu và biểu diễn nhiều nơi như: Chú chó tinh nghịch, Chú thỏ tinh khôn, Trò mèo, Sơn Tinh - Thủy Tinh

Nhờ cách độc diễn múa rối mà ông có thể biểu diễn trong nhiều không gian, ngoài trời, sân trường, lớp học tình thương... Dù không có âm nhạc, ánh sáng hỗ trợ, nhưng với những câu chuyện vui mang tính giáo dục nhẹ nhàng, và tập trung vào giao lưu trực tiếp giữa con rối với khán giả nhỏ tuổi, các buổi diễn vẫn thu hút, hấp dẫn các em nhỏ dõi theo, thậm chí “nhập vai” vào nhân vật trong vở diễn...

Nhưng múa rối độc diễn không chỉ dành cho thiếu nhi. Nghệ sĩ Văn Học còn sáng tác những vở diễn như: “Thuyền trên sông”, “Keo vật cuộc đời”, “Cô gái hay nhện”, “Những con rối”... chinh phục khán giả nhiều quốc gia như: Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Hy Lạp... Trong đó, vở “Những con rối” đã cùng ông ngao du nhiều sân khấu quốc tế như: Liên hoan sân khấu độc diễn Kongju (Hàn Quốc) năm 1997, Liên hoan Múa rối thế giới ở Thái Lan năm 1998, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế… Nhân vật trung tâm của vở diễn này là con người thời nguyên thủy, mang bộ mặt 2 nửa đỏ - đen (biểu tượng của sân khấu tuồng), loay hoay tìm kiếm cái vĩnh cửu để rồi giằng xé trước yêu thương và giận hờn, tốt và xấu, chính nghĩa và gian tà…

Trăn trở truyền dạy

Nghệ sĩ Văn Học cho biết, với múa rối độc diễn, không có bạn diễn hỗ trợ nên để thu hút khán giả, nghệ sĩ không những phải có kỹ thuật tốt mà còn cần sự tinh tế, khéo léo thể hiện ở nét mặt, khuôn miệng trong khi biểu diễn. Ở rối cạn, sự hấp dẫn người xem chính là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Nếu nghệ sĩ múa rối biết thổi hồn vào các con rối vô tri, vô giác, để chúng trở nên sinh động và người xem cảm nhận được những điều nghệ sĩ gửi gắm, thì đó chính là chìa khóa thành công...

Trong quá trình làm nghề, nghệ sĩ Văn Học luôn có ý thức lưu giữ những con rối, kịch bản. “Đi biểu diễn ở nước ngoài, nhiều người xem xúc động và ngỏ ý muốn mua những con rối, nhưng tôi không bán. Tôi nói nếu họ thích tôi có thể làm con rối khác, còn con rối gắn bó với tôi trong cuộc đời đi diễn là những người bạn. Mà nghệ sĩ Việt Nam không ai bán bạn của mình”. Với những người bạn này, năm 2015, ông đã khai trương Bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại tại không gian gia đình ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Không gian giới thiệu hơn 100 con rối với nhiều kích thước, tuổi đời khác nhau, nhiều thể loại như: rối dẹt, rối tay, rối qua, rối dây, rối mặt nạ, rối hình nộm… Một số con rối đã được ông trao tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhằm lưu giữ tốt hơn di sản này.

Điều nghệ sĩ Văn Học trăn trở là chưa có người kế nghiệp, khi các con ông không chọn theo nghề múa rối. Việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho múa rối cạn thường là tuyển từ các bộ môn chèo, kịch nói, ca nhạc... sau đó đào tạo thêm về nghiệp vụ múa rối cạn. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc rối cạn khó tuyển dụng được những diễn viên có tâm huyết, có tầm ngay từ ban đầu...

Ở tuổi 83, sức khỏe không cho phép ông tiếp tục đi diễn khắp nơi. “Muốn có một vở rối phục vụ các cháu, trước tiên phải có kịch bản. Nhưng hiện nay tác giả viết cho sân khấu múa rối chuyên nghiệp rất hiếm”. Trước thực trạng này và mong muốn truyền lại nghệ thuật rối cạn rộng rãi, nghệ sĩ Văn Học đã tham gia giảng các lớp bồi dưỡng cho giáo viên mầm non, viết sách về cách làm và diễn múa rối cho trẻ, chọn lọc kịch bản múa rối cho thiếu nhi...

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thoi-hon-cho-roi-can-i332535/