Thông tin thêm về Dự án xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh bị 'treo' nhiều năm ở thành phố Hòa Bình

Bài 2 - Tiếng nói của

Bài 2 - Tiếng nói của "người trong cuộc”

Sau hơn 17 năm Dự án xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh TP Hòa Bình còn nhiều vướng mắc chưa được triển khai đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 170 hộ dân, dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm...

Từ tháng 5/2023 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn nhưng những vấn đề liên quan đến Dự án xây dựng các công trình văn hóa tâm linh trên đồi Ba Vành thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) vẫn chưa được giải quyết.

Bức xúc của người dân kéo dài hàng chục năm

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết. Trong đó, từ tháng 5/2023 đến nay, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì 3 cuộc họp, ra 3 thông báo kết luận, chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND thành phố Hòa Bình giải quyết. Về phía UBND thành phố Hòa Bình đã phối hợp các sở, ngành chức năng của tỉnh tiến hành gần 10 cuộc họp. Tuy nhiên vẫn không ai xác định được quy trình giải quyết như thế nào, chưa có cách giải quyết rõ ràng và giải quyết vấn đề này từ đâu cũng chưa rõ.

Bà Ngô Thị Thành bức xúc: Chúng tôi mong mỏi UBND tỉnh sớm giải quyết những vướng mắc của dự án, bởi nó kéo dài quá lâu. 17, 18 năm nay chúng tôi sống khổ sở quá rồi, cứ mưa là ngập. Chúng tôi gửi đơn đi khắp nơi nhưng không được giải quyết. Nhà, đất của chúng tôi đang sử dụng ổn định, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng từ năm 2007 khi có quy hoạch dự án, chúng tôi có nhưng không được thực hiện bất cứ quyền sử dụng đất, sửa chữa nhà cửa, mua bán hay cầm cố để vay mượn ngân hàng, sang tên đổi chủ cũng không được.

Ông Phạm Văn Đạt đại diện cho các hộ bị ảnh hưởng nêu kiến nghị: Người dân chỉ mong mỏi là dự án không nên mở rộng nữa. Mà thực tế là 17 năm qua, nhà chùa đã kiến thiết, xây dựng được một số hạng mục, công trình, về quy mô đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân trên địa bàn. Do vậy, nhà chùa xây dựng được đến đâu thì chỉ dừng lại ở đó. Còn những phần đất quy hoạch chưa sử dụng đến thì trả lại cho người dân để chúng tôi được thực hiện quyền sử dụng đất của mình.

Mấu chốt là kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư

Xung quanh vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Trưởng Ban trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Chúng tôi nghĩ là vẫn đang thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh về xây dựng khu văn hóa tâm linh, gồm cảnh quan không gian văn hóa để tổ chức lễ hội Xuân và xây dựng khu tâm linh. Đây là chủ trương đúng đắn của chính quyền. Ngay khi thực hiện dự án, trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, chúng tôi đã thực hiện gần xong rồi. Trong đó đã đền bù được 5/5,3ha được giao, còn 3.000 m2 là vào đất ở của các hộ dưới mặt đường Nguyễn Văn Trỗi. Cho nên bảo dự án treo, dự án bỏ không là không đúng. Các hộ dân ở dưới mặt đường chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) được, điều này có nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Về khách quan thì giai đoạn 1 và giai đoạn 2, BTS đã GPMB được 5ha, nhưng thực ra mới được nhận bàn giao mặt bằng hơn 2ha. Còn hơn 2ha đã GPMB từ năm đó đến nay vẫn chưa được bàn giao, chỉ bàn giao giấy tờ, không bàn giao thực địa nên bị nhân dân lấn chiếm. Giai đoạn 1, giai đoạn 2 chưa xong thì sao làm được giai đoạn 3.

Về vấn đề này, đồng chí Đoàn Tiến Lập, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nêu rõ: Vướng mắc ở đây chính là kinh phí GPMB. Theo quy định của Luật Đất đai thì cơ sở thờ tự tôn giáo không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để giao, mà cơ chế này là thỏa thuận. Nếu nhà chùa bố trí được kinh phí GPMB và tái định cư thì các cơ quan sẽ phối hợp giải quyết. Nếu BTS bố trí được kinh phí GPMB và tái định cư thì tiếp tục thực hiện theo quy hoạch. Còn nếu không có kinh phí thì bắt buộc phải điều chỉnh.

Đồng chí Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình chia sẻ thêm: Dự án này không nằm trong danh mục phải thu hồi đất thì kinh phí GPMB sẽ rất khó khăn. Các hộ bám mặt đường Nguyễn Văn Trỗi đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất ở, cho nên phải bố trí tái định cư với diện tích tương ứng. Với diện tích tái định cư lớn như vậy thì khả năng bố trí của thành phố gặp nhiều khó khăn. Từ những khó khăn đó, UBND thành phố và BTS đã thống nhất điều chỉnh đưa phần của các hộ dân ra khỏi quy hoạch. Còn diện tích đã GPMB thì BTS phải có sự phối hợp với UBND thành phố để làm các thủ tục giao đất đối với những phần đã GPMB xong để nhà chùa làm các thủ tục xây dựng theo quy định. Còn phần nào vướng mắc, tranh chấp đã GPMB nhưng bị lấn chiếm, UBND thành phố sẽ phối hợp cùng BTS giải quyết dứt điểm.

(Còn nữa)

Vũ Phong

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/186339/thong-tin-them-ve-du-an-xay-dung-tru-so-va-cac-cong-trinh-van-hoa-tam-linh-bi-treo-nhieu-nam-o-thanh-pho-hoa-binh.htm