Thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022

Các nhà thầu đang khẩn trương, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022.

Thông tin được ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư năm 2022, nhân dịp lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.

Ông Lê cho biết, qua 30 năm tái lập, tỉnh Bình Thuận đã ưu tiên nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ở những năm trước đây, do điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Do vậy, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, rất ít công trình quy mô lớn, kết nối liên vùng, có sức lan tỏa được đầu tư xây dựng để tạo động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại vẫn còn là “điểm nghẽn”, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng của Tỉnh đã và đang tiếp tục được tăng cường đầu tư, nâng cấp với nhiều công trình lớn, quan trọng với quy mô hiện đại, đồng bộ, góp phần mở rộng hợp tác, liên kết, thúc đẩy khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thể thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022. Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, với một địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, trong đó xác định “du lịch” là một trong 3 trụ cột phát triển, Bình Thuận vẫn còn đang thiếu các phương thức vận tải hiện đại, tốc độ cao nhằm đưa ngành du lịch của tỉnh nhanh chóng tiếp cận với du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Lê, hiện tuyến đường bộ cao tốc chạy dọc theo trục Bắc – Nam xuyên suốt qua địa bàn tỉnh từ ranh giới tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài 160,3 km (quy hoạch 06 làn xe).

Trong đó, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đoạn qua tỉnh Bình Thuận 12 km. Khởi công năm 2021 quy mô 4 làn xe; Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km. Khởi công tháng 9 năm 2020 quy mô 4 làn xe; Đoạn Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km, đoạn qua tỉnh Bình Thuận 47,5 km. Khởi công tháng 9 năm 2020 quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.

Ông Lê cho biết tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh được thi công hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Bình Thuận, góp phần quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

“Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Bình Thuận với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là với TP.HCM”, ông Lê nói và cho biết thêm hiện nay, các nhà thầu đang khẩn trương, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành thông xe kỹ thuật đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022.

Về hệ thống đường quốc lộ, trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ đầu tư nâng cấp cải tạo toàn tuyến Quốc lộ 28B từ Bình Thuận đến Lâm Đồng với chiều dài 69 km, quy mô đường cấp III 2 làn xe.

Với tuyến đường này, hiện Tổng cục Đường bộ đã lập xong hồ sơ dự án đầu tư và trình phê duyệt, tiến độ triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021 – 2025. Đây là tuyến đường quan trọng, huyết mạch, là tuyến ngắn nhất kết nối Bình Thuận với Lâm Đồng, Tây Nguyên, phát huy hiệu quả tam giác du lịch TP.HCM – Bình Thuận – Lâm Đồng.

Về dự án cảng hàng không Phan Thiết, đây là sân bay cấp 4E lưỡng dụng quân sự kết hợp dân sự, có chức năng là cảng hàng không nội địa có hoạt động bay Quốc tế.

Hiện dự án đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục hồ sơ theo quy định để sớm triển khai Cảng hàng không Phan Thiết – phần nhà ga dân dụng theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1925/QĐ-BGTVT ngày 29/8/2018

“Hiện nay, phần quân sự và đường cất hạ cánh đang triển khai thi công. Phần dân sự đang được tiến hành các thủ tục để tiến hành xây dựng để có thể đưa vào khai thác vào quý I/2023”, ông Lê nói.

Với kế hoạch, tiến độ triển khai như hiện nay và phương án triển khai trong thời gian tới, điểm nghẽn giao thông đối ngoại, đối nội của tỉnh Bình Thuận sẽ được tháo gỡ. Ảnh: Lê Toàn

Với đường trục ven biển, tỉnh Bình Thuận sẽ đầu tư hoàn thành tuyến đường trục ven biển qua địa bàn tỉnh với quy mô cấp đường hiện đại, đồng bộ, khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh.

Trong đó, tập trung thi công hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Phan Thiết - Kê Gà (ĐT.719B), đoạn Kê Gà - Tân Thiện (ĐT.719) và đoạn Hòn Lan – Tân Hải. Đồng thời tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực và tranh thủ nguồn vốn Trương ương hỗ trợ sớm triển khai đoạn Phan Rí Cửa – Bình Thạnh, Tân Thắng – Thắng Hải.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng đang kêu gọi đầu tư khu bến Sơn Mỹ. Có bến hàng lỏng/khí, bến tổng hợp, bến khách phù hợp với nhu cầu và năng lực của chủ đầu tư. Cỡ tàu: tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu khách quốc tế phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Với kế hoạch, tiến độ triển khai như hiện nay và phương án triển khai trong thời gian tới, điểm nghẽn giao thông đối ngoại, đối nội sẽ được tháo gỡ; hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh được đầu tư hiện đại, đồng bộ, liên thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới, thu hút đầu tư, nhất là phát triển du lịch của tỉnh nhà”, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thong-xe-ky-thuat-tuyen-cao-toc-phan-thiet---dau-giay-vao-cuoi-nam-2022-d172512.html