Thủ tướng Phạm Minh Chính dự, chỉ đạo hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long

Ngày 23-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị

Ngày 31-12-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1759/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, thuộc khu vực tứ giác trung tâm của vùng ĐBSCL. Toàn tỉnh được bao quanh bởi 2 nhánh sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, làng nghề…

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long nằm giữa 2 trung tâm kinh tế lớn là TPHCM và TP Cần Thơ, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, góp phần giúp kết nối thông suốt, nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng và các vùng kinh tế cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời

Theo quy hoạch, tỉnh Vĩnh Long sẽ được tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 2 vùng kinh tế - xã hội, 1 trục động lực và 2 hành lang kinh tế.

Trong đó, 2 vùng kinh tế - xã hội gồm, vùng phía Tây Bắc (TP Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình) là vùng động lực phát triển của tỉnh, tập trung phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái, logistics, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng phía Đông Nam (các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít) tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, văn hóa, công nghiệp.

Trục động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Long được xác định theo tuyến Quốc lộ 1 (TP Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và huyện Long Hồ) tập trung phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, logistics. Hai hành lang kinh tế được xác định là hành lang kinh tế dọc sông Hậu và hành lang kinh tế dọc sông Tiền - sông Cổ Chiên. Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 11 đô thị, 5 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Long

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Vĩnh Long phải khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ. Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đối khí hậu. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phát huy nội lực tốt hơn nữa để đột phá, vương lên thành tỉnh khá, tỉnh thuộc nhóm phát triển của vùng ĐBSCL; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới chúng ta phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu sang xanh”.

Thủ tướng hy vọng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Vĩnh Long với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; đã đến, đã cam kết phải thực hiện và phải thực hiện nhanh, hiệu quả. Từ đó, phát huy hiệu quả kinh tế của các dự án, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội, góp phần để người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 13 dự án đầu tư vào tỉnh, với tổng mức vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao các quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu từ cho các doanh nghiệp

Tiêu biểu như các dự án: Nhà máy sản xuất thực phẩm (Công ty CP Acecook Việt Nam) 2.079 tỷ đồng; dự án đầu tư khu đô thị Trung tâm Hành chính tỉnh Vĩnh Long (Công ty CP Tập đoàn T&T) 14.099 tỷ đồng; dự án đầu tư Giày xuất khẩu (Công ty TNHH Tỷ Bách) 736 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất bộ dây điện xe ô tô (Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam) 239 tỷ đồng; Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Vĩnh Long (Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Vĩnh Long) 450 tỷ đồng…

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cam kết: “Lãnh đạo tỉnh sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Vĩnh Long”.

TUẤN QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-chi-dao-hoi-nghi-xuc-tien-dau-tu-tinh-vinh-long-post732032.html