Thủ tướng Thái và thống tướng Myanmar liên lạc qua kênh hậu trường

Chính phủ Thái Lan dùng kênh liên lạc không chính thức với quân đội Myanmar để hoạch định quyết sách đối ngoại sau cuộc chính biến hồi tháng 2 tại nước láng giềng.

Nikkei Asia dẫn một nguồn tin thân cận với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết nhà lãnh đạo này và Thống tướng Min Aung Hlaing vẫn trao đổi qua một kênh riêng.

“Chúng tôi từ trước đến nay đã duy trì các kênh liên lạc không chính thức. Thủ tướng Prayuth và Thống tướng Min Aung Hlaing có thể trao đổi mà không phải gặp mặt. Họ đã nói chuyện sau vụ chính biến”, nguồn tin ẩn danh cho biết.

Tướng Min Aung Hlaing (trái) chào Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại tòa nhà chính phủ ở Bangkok vào tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.

Đường dây liên lạc trực tiếp đã được các nhân vật trong quân đội Thái Lan xây dựng từ trước với những người đồng cấp tại Myanmar, nguồn tin cho hay.

“Lực lượng quân đội hai nước giữ quan hệ tốt và có thể hiểu rõ nhau”, Kobsak Chutikul, cựu Đại sứ Thái Lan, cho biết. “Quân đội Thái Lan và Myanmar duy trì liên lạc ở nhiều cấp như chỉ huy địa phương, biên giới, khu vực, và thậm chí là cấp trung ương”.

Thống tướng Min Aung Hlaing là tướng lĩnh quân đội đầu tiên tại Đông Nam Á liên lạc và chúc mừng sau khi ông Prayuth đảo chính tại Thái Lan vào năm 2014.

Năm 2018, ông Min Aung Hlaing được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Đại Thập Tự Hạng nhất Huân chương Voi trắng của Thái Lan. Đây là huân chương hoàng gia được trao cho sĩ quan quân đội hoặc người dân có cống hiến xuất sắc. Huân chương này được trao cho Min Aung Hlaing vì “sự ủng hộ của ông đối với quân đội Thái Lan”, Bangkok Post lúc đó đưa tin.

Mối quan hệ của Thống tướng Min Aung Hlaing với người đồng cấp trong quân đội Thái Lan thể hiện sự biến chuyển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước. Trước đó, mối quan hệ này được đánh dấu bởi sự thù địch, ngờ vực, và các cuộc giao tranh biên giới.

Hơn một thập kỷ trước, Bangkok thực hiện chiến lược “vùng đệm”, cho phép các nhóm vũ trang sắc tộc muốn ly khai khỏi Myanmar hoạt động dọc biên giới Thái Lan. Các nhóm vũ trang sắc tộc này đóng vai trò thế thân cho quân đội Thái Lan.

“Khi ấy, giữa hai nước thiếu sự tin tưởng lẫn nhau”, Sihasak Phuangketkeow, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết. “Nhưng lúc này thì không còn vậy nữa. Chính sách biên giới của quân đội Thái Lan đã thay đổi vì nhiều lý do, bao gồm việc nhận ra tầm quan trọng của giao thương biên giới”.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing được coi là nhân vật quyền lực nhất Myanmar sau cuộc chính biến hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Giao thương biên giới giữa hai nước đạt 5,4 tỷ USD trong năm tài khóa 2018-2019, theo Bộ Thương mại Thái Lan. Con số này được thúc đẩy bởi việc Thái Lan đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tăng cường quan hệ kinh tế và mở nhiều cửa khẩu cho các chủ thể kinh doanh nước này tận dụng.

Trước cuộc chính biến tháng 2 tại Myanmar, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, thuộc ngân hàng Thái Lan KBank, từng dự đoán giao thương tại cửa khẩu Mae Sot sẽ đạt 100 tỷ baht (khoảng 3,3 tỷ USD) vào năm 2021. Trong ba thập kỷ qua, Thái Lan đã rót gần 11 tỷ USD vốn FDI vào Myanmar, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Singapore.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-thai-va-thong-tuong-myanmar-lien-lac-qua-kenh-hau-truong-post1214686.html