Thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng: Còn nhiều vướng mắc

Tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2015 với 3 đối tượng bị thu phí là cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; cơ sở kinh doanh du lịch lớn. Mặc dù tổng thu từ chính sách này chưa cao, trung bình đạt trên 4 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên từ đây đã góp phần nâng cao mức chi trả cho các đơn vị trồng, chăm sóc rừng. Cụ thể là các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp và các địa phương, trong đó 3 đơn vị được chi trả cao nhất là BQL rừng Quốc gia Yên Tử, Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ.

Thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2019), đối với chính sách DVMTR, ngoài 3 đối tượng kể trên sẽ có thêm 3 đối tượng khác trong diện bị thu phí DVMTR. Đó là cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS), cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn. Riêng đối tượng cơ sở kinh doanh du lịch, nếu như trước đây chỉ quy định các đơn vị có quy mô lớn mới trả phí thì nay bổ sung thêm các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch.

Lực lượng chức năng khảo sát thực tế trữ lượng rừng phòng hộ hồ Cao Vân (TP Cẩm Phả).

Theo ông Nguyễn Thanh Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, với 3 đối tượng bổ sung thực hiện chính sách DVMTR như trên, mỗi năm Quảng Ninh sẽ có thêm trên dưới 100 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn thu lớn và bền vững để chi trả cho các chủ rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chủ rừng đồng thời thúc đẩy công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên đến thời điểm này, công tác triển khai chính sách DVMTR theo Luật Lâm nghiệp 2017 đang gặp nhiều khó khăn, tiến triển chậm, nguy cơ khó đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, cái khó nhất trong việc thực hiện chính sách DVMTR theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2019 hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, trước đó chưa có tiền lệ. Trong khi đó, là tỉnh có số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp, NTTS, dịch vụ du lịch, cơ sở có phát thải khí nhà kính lớn, quy mô hoạt động rộng.

Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị thuộc dự án "Rừng và đồng bằng" tại Quảng Ninh. Ảnh Văn Đức (CTV)

Ông Phạm Văn Thanh, cán bộ Phòng Quản lý và Sử dụng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để thực hiện được chính sách DVMTR với 100% đối tượng theo quy định, các đơn vị chức năng buộc phải điều tra, khảo sát để có con số đối tượng phải nộp phí một cách cụ thể, rõ ràng, sát thực tế; phải xác định được các cơ sở có sử dụng nước từ rừng; lưu vực, rừng cung cấp nước; doanh thu hàng năm của đơn vị; mức nước đơn vị tiêu thụ hàng năm; số tiền phải trả... Tương ứng với đó, các đơn vị chức năng cũng phải xác định được vùng rừng, diện tích rừng, chủ rừng đang cung ứng DVMTR, từ đó các đơn vị, doanh nghiệp được hưởng thụ để thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh; mức độ cung ứng; mức tiền được chi trả... Đây quả là khối lượng công việc không nhỏ và không đơn giản.

Đến thời điểm này, bước đầu các đơn vị chức năng mới thực hiện được các phần việc là xác định sơ bộ số cơ sở phải trả phí DVMTR. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 95 cơ sở sản xuất công nghiệp; 190 cơ sở NTTS; 10 cá nhân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch; 11 cơ sở phát thải khí nhà kính. Tương ứng số tiền phải nộp hàng năm của các đơn vị là: Cơ sở sản xuất công nghiệp 3,2 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ là 5 tỷ đồng; cơ sở sản xuất, kinh doanh gây phát khí thải là 112 tỷ đồng. Riêng các cơ sở NTTS chưa xác định mức kinh phí phải đóng hàng năm. Đối với hoạt động thu phí DVMTR của các đơn vị sản xuất, kinh doanh có gây phát thải khí nhà kính lớn tại Quảng Ninh hiện đang được Bộ NN&PTNT thực hiện thí điểm, trong dự án “Rừng và đồng bằng”.

Hiện nay việc xác định đối tượng, mức trả phí DVMTR đối với các cơ sở gây phát thải khí nhà kính gặp nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT khảo sát thực tế tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh)

Được biết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách DVMTR theo Luật Lâm nghiệp 2017, hiện nay, Sở NN&PTNT đang đề xuất UBND tỉnh xây dựng đề án triển khai tổng thể chính sách DVMTR. Trong đó trọng tâm dành kinh phí thuê các đơn vị tư vấn có chuyên môn xác định mức chi trả của các đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh; mức tiền được chi trả của các chủ rừng. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện ổn định chính sách DVMTR trên địa bàn.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201905/thuc-hien-chinh-sach-dich-vu-moi-truong-rung-con-nhieu-vuong-mac-2442216/