Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT: Một năm nhìn lại

Cùng với cả nước, năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với cấp Trung học phổ thông (THPT), áp dụng cho lớp 10. Trải qua một năm học thực hiện, đã có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ từ học sinh đến đội ngũ giáo viên…

Nhiều tín hiệu tích cực

Năm học 2022 - 2023, thành phố Hà Nội có 235 trường THPT với hơn 103.000 học sinh lớp 10 học Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh một số môn học bắt buộc, đây là lần đầu tiên học sinh lớp 10 được chọn môn học. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho thấy, trong số 9 môn học lựa chọn của Chương trình, môn Vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với 68,2%; tiếp đến là môn Tin học với 62,8%; môn Địa lý là 56,3%; môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là 55,4%…

Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, trao đổi chuyên môn. (Ảnh minh họa)

Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, trao đổi chuyên môn. (Ảnh minh họa)

Đánh giá chung của các nhà trường, được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường, chất lượng học tập của học sinh có sự thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ I cho thấy, tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học giảm, chỉ còn 0,1% - mức thấp nhất từ trước tới nay. Phản hồi từ đa số trường THPT trên địa bàn Thành phố đều khẳng định, đã có sự thay đổi trong ý thức và thái độ học tập của học sinh. Học sinh được chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, được khuyến khích phát huy năng lực sở trường của mình. Điều này đã đem đến cho các giờ học một sinh khí mới, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo.

Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 cũng là năm đầu tiên các nhà trường được chọn sách giáo khoa, đề xuất Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa danh mục sách để đưa vào giảng dạy. Báo cáo từ các nhà trường cho thấy, giáo viên đã kịp thời nắm bắt và làm chủ được ưu điểm của các bộ sách. Nhờ hệ thống tài liệu phong phú, đa dạng về nội dung, hình ảnh và đồ họa, đi kèm với các công cụ giáo dục điện tử, giáo viên đã có thêm giải pháp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động, hiệu quả.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuẩn bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng cũng như làm quen với các bộ sách giáo khoa mới đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện từ rất sớm. Để vượt qua những lúng túng ban đầu, các tập thể, cá nhân đã cùng chia sẻ những bài học thực tế, những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt.

Từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, đã có nhiều hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn, giúp nhau cùng khắc phục những khó khăn về đội ngũ. Rất nhiều trường đã có những sẻ chia đáng quý như: Trường THPT Việt Đức cử đoàn giáo viên tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại Trường THPT Minh Phú trong thời gian 1 tháng; Trường THPT Trần Phú cùng Trường THPT Yên Lãng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; Trường THPT Cầu Giấy, Trường THPT Bất Bạt chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy qua các bài giảng trực tuyến...

Với việc tổ chức hơn 10 chuyên đề, 10 tiết dạy minh họa gắn với sinh hoạt chuyên môn ở các môn Ngữ Văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục thể chất theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trên toàn Thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đồng hành với các nhà trường, với từng giáo viên để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc. Lần đầu tiên giáo viên toàn Thành phố được cùng dự giờ, góp ý trao đổi kinh nghiệm qua tiết dạy của đồng nghiệp, các buổi sinh hoạt chuyên môn tổ chức trên phạm vi toàn thành phố đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức của giáo viên, thúc đẩy quá trình đổi mới trong mỗi giáo viên, tạo được bầu không khí học thuật trong mỗi nhà trường.

Những buổi sinh hoạt chuyên môn trên phạm vi toàn Thành phố thể hiện sự đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn, vướng mắc của Sở GD&ĐT Hà Nội với các nhà trường, các thầy cô giáo, đồng thời cũng đem lại niềm tin cho những cố gắng, nỗ lực của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên các nhà trường.

Vẫn còn băn khoăn

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, cũng phải nhìn nhận việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp THPT vẫn còn gặp một số khó khăn. Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên làm tốt vai trò người hướng dẫn nhưng không phải giáo viên nào cũng thực hiện được. Trong khi triển khai Chương trình mới, Ban Giám hiệu, giáo viên các trường vẫn phải bảo đảm thực hiện tốt chương trình hiện hành. Chính vì vậy, thời gian đầu tư thực hiện Chương trình bị phân tán. Đặc biệt, khó khăn với hầu hết trường học là cơ cấu giáo viên chưa thay đổi đáp ứng kịp yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Các trường phải đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ khi triển khai Chương trình mới do số tiết ở các môn học có sự khác nhau giữa 2 chương trình. Một số môn học, hoạt động giáo dục mới chưa có trong Chương trình GDPT 2006 đòi hỏi giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp tham gia dạy học, trong khi các trường đều chưa có đội ngũ giáo viên chuyên trách tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo viên các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc…

Trước những khó khăn cần khắc phục của các trường THPT khi triển khai Chương trình GDPT 2018, tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp THPT vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, các trường cần có kế hoạch cụ thể, sớm kiện toàn đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng kế hoạch chi tiết về cơ cấu đội ngũ giáo viên phù hợp với tỷ lệ đăng ký các môn lựa chọn của học sinh trên địa bàn tuyển sinh, đồng thời vẫn bảo đảm nhu cầu phát triển nguồn nhân lực hài hòa giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội trong tương lai.

Cùng đó, các trường cần tìm các giải pháp cụ thể hoặc tham mưu Sở GD&ĐT Hà Nội các nội dung bảo đảm nguồn kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh theo yêu cầu của Chương trình; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của môn học như sân bãi đối với môn Giáo dục thể chất; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy và học…

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-doi-voi-cap-thpt-mot-nam-nhin-lai-156177.html