Thực hiện cơ chế một cửa: 'Thông suốt' cho doanh nghiệp

Không ít doanh nghiệp than rằng, để được cấp giấy phép kinh doanh thì họ phải nộp cùng lúc nhiều bộ hồ sơ cho nhiều cơ quan ban ngành khác nhau để xin ý kiến cơ quan liên ngành. Những bất cập liên quan đến thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Các doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện để hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện để hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp vẫn gặp rào cản thủ tục hành chính

Thời gian qua, trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép cho các dự án tại các địa phương, doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn vướng mắc do sự hiểu biết và diễn giải khác nhau của cán bộ công chức tại cơ quan một cửa. Chẳng hạn, theo quy định pháp lý thì DN khi nộp hồ sơ cần đem bản gốc để đối chiếu. Tuy nhiên, có nơi thì đồng ý nhận bản sao nếu đem bản gốc đối chiếu, song có nơi đòi hỏi phải có bản công chứng thì mới nhận mặc dù quy định không yêu cầu. Điều này khiến DN rất lúng túng, bị động khi làm cùng một thủ tục tại nhiều địa phương khác nhau.

Nghiên cứu VCCI cho thấy, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã giúp giảm chi phí cho DN ở hầu hết các thủ tục so với phương thức truyền thống. Có 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện thủ tục giảm từ 148.000 đồng/thủ tục đến 3.845.000 đồng/thủ tục.

Một vấn đề khác mà các DN cũng thường xuyên gặp phải khi nộp hồ sơ tại cơ quan “một cửa”, đó là phải xin ý kiến bộ ngành khác với lý do đây là đặc thù địa phương, mặc dù trong quy định của văn bản không quy định yêu cầu này. Tình trạng các DN bị tới hai bộ, ngành trở lên kiểm tra một mặt hàng vẫn đang diễn ra... Có nghĩa rằng, các thủ tục hành chính, việc kiểm tra chuyên ngành của cơ quan quản lý vẫn đang tạo ra những rào cản khiến hoạt động của cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức.

Theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các DN ngành dệt may vốn có đặc thù xuất nhập khẩu rất lớn nên phải thường xuyên thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, do đó, rất kỳ vọng vào sự cải thiện tích cực của cơ chế một cửa quốc gia. Tuy nhiên, nhiều DN dệt may cho biết, thực hiện khai điện tử, nhiều khi vẫn bị trục trặc, dẫn tới mất thời gian và tốn kém hơn trước đây... cho thấy tính thông suốt, hạ tầng công nghệ thông tin vẫn đang khá trục trặc.

Theo đánh giá của nhiều DN, hiện nay, kết quả rà soát thủ tục giấy tờ liên quan đến thực hiện cơ chế “một cửa quốc gia” tuy đã có cải thiện, song mới chỉ đạt 50% kỳ vọng của DN, 50% còn lại cần được tích cực rà soát và tiếp tục giảm bớt để tạo thuận lợi cho DN.

Thời gian qua, nhà quản lý vẫn đang nỗ lực trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, làm thông thoáng môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của cộng đồng DN.

Dư địa cải cách vẫn còn rất lớn

Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch Covid-19 cùng những biến động khó lường của kinh tế - chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây. Tại hội thảo công bố Báo cáo về Mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết quả khảo sát DN năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ những con số khi thực hiện khảo sát hàng nghìn DN. Cụ thể, theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, tổng hợp kết quả khảo sát của trên 3.000 DN xuất nhập khẩu trong năm 2022, báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Trong đó, số đông các DN cho biết Cổng Thông tin một cửa quốc gia (NSW) được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua NSW đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các DN. Các DN cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành...

Đối với công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng DN ghi nhận. Cùng với đó, các bộ, ngành đã bắt đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở các mức độ, hình thức khác nhau. Nhiều bộ, ngành chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhiều thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa. Nhiều quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý...

Dù vậy, kết quả khảo sát cho thấy, vẫn còn khoảng 59% DN gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Những khó khăn DN hay gặp phải đó là nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, thái độ của công chức không đúng mực và bị yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ ngoài quy định.

“Khoảng 8% DN trả lời khảo sát cho biết họ có mặt hàng bị kiểm tra bởi từ 2 bộ ngành trở lên. Khoảng 81,5% trong số các DN có mặt hàng bị kiểm tra bởi từ 2 bộ ngành trở lên cho rằng tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém về thời gian, chi phí, thủ tục cho DN” - VCCI chỉ rõ. Ngoài ra, khoảng 64% trong số 46 đơn vị trực thuộc các bộ ngành cho biết, họ từng gặp những sự cố kỹ thuật khi thực hiện thao tác giải quyết hồ sơ của DN trên Cổng thông tin một của quốc gia. Tương tự, khoảng 55% số đơn vị báo cáo đã gặp sự cố khi thực hiện truyền kết quả giải quyết hồ sơ của DN qua Cổng.

Những dữ liệu nói trên cho thấy, dư địa để cải cách hành chính vẫn còn rất lớn.

Để nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

‘’Việc sớm có quy chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các DN, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu” - ông Phòng nhấn mạnh.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuc-hien-co-che-mot-cua-thong-suot-cho-doanh-nghiep-5701307.html