Thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển thúc đẩy thực thi dự án kết nối hạ tầng

Hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển gồm Biển Baltic, Biển Đen và Biển Adriatic đã khai mạc ngày 5/6 tại thủ đô Ljubljana của Slovenia.

Sự kiện này thu hút sự tham dự của nguyên thủ và ngoại trưởng đến từ 12 nước Trung và Đông Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng được mời tới tham dự hội nghị. Trong ngày đầu tiên, đại diện các nước tìm kiếm nguồn tài chính thực thi các dự án kết nối hạ tầng và tranh luận đa dạng hóa nguồn cung khí đốt trong khu vực.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Ba Biển năm 2018 ở Romania. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Ba Biển năm 2018 ở Romania. Ảnh: Reuters

Mười hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu muốn khởi động các dự án kết nối hạ tầng mới trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và số hóa trong khuôn khổ hợp tác Sáng kiến Ba Biển. Từ con số 145 dự án ban đầu, các nước đã đồng ý cắt giảm xuống còn hơn 40 dự án cần phải thực hiện để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước Tây Âu trong quá trình hội nhập, đồng thời cải thiện an ninh và thịnh vượng của người dân.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác khu vực, nhưng Tổng thống Bulgaria Rumen Radev chỉ ra một thực tế là các nước đang thiếu nguồn tài chính lớn để thực hiện các dự án. Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan, một trong những nước đề xuất thành lập Sáng kiến Ba Biển, gợi ý sự đóng góp từ ngân sách Liên minh châu Âu đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các dự án hạ tầng và năng lượng trong khu vực trong thập kỷ tới, và nguồn vốn đó nên được huy động thông qua hình thức đối tác công tư (PPP).

Đại diện cho Hungary, ngoại trưởng Peter Szijjarto thì cho rằng khu vực Trung Âu sẽ tiếp tục là trung tâm tăng trưởng ở châu Âu do thuế thấp hơn, kỷ luật ngân sách chặt chẽ hơn và an ninh đảm bảo hơn. Ông lên tiếng ủng hộ việc tiếp cận các nguồn khí đốt hóa lỏng khác nhau và cảnh báo rằng, nếu không, các hợp đồng dài hạn với Nga là khó tránh khỏi.

Cũng thảo luận về vấn đề này, đại diện Bộ ngoại giao Đức, ông Miguel Berger lên tiếng bảo vệ quan điểm của Đức trước chỉ trích của Mỹ đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc II dẫn khí đốt từ Nga tới Đức cung cấp cho châu Âu. Ông Berger nói rằng dự án là cần thiết để đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu, và Đức muốn xây dựng đối tác năng lượng đó với Nga. Nhưng ông cũng khẳng định Nga không phải là đối tác cung cấp khí đốt duy nhất cho Đức, bởi Đức cũng hy vọng vào việc triển khai dự án xây dựng hành lang cung cấp khí đốt từ Azerbaijan tới Nam Âu có trị giá 1,5 tỉ euro.

Tổng thống Borut Pahor của nước chủ nhà cho biết dựa trên việc đánh giá các dự án hợp tác chung trước đây, hội nghị sẽ đưa ra các đề xuất cho các dự án mới và sẽ trình lên Ủy ban châu Âu để cân nhắc và thông qua. Theo ông, các dự án kết nối hạ tầng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển trong khu vực và Ủy ban châu Âu khóa mới cần phải cân nhắc một cách nghiêm túc.

Trong khi các nhà lãnh đạo tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án kết nối hạ tầng, đại diện ngân hàng phát triển các nước thành viên Sáng kiến Ba Biển thảo luận khả năng thành lập một quĩ đặc biệt tài trợ cho các dự án chung.

Ngày 6/6 cũng là ngày cuối cùng của hội nghị sẽ diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Sáng kiến Ba Biển, và Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec sẽ chủ trì diễn đàn.

Được thành lập vào năm 2015 theo sáng kiến của Ba Lan và Croatia, thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển bao gồm 12 nước thành viên Liên minh châu Âu là Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Áo, Slovenia, Croatia, Romania, và Bulgaria. Mục tiêu của sáng kiến là thúc đẩy phát triển khu vực thông qua các dự án kết nối chủ yếu trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng và số hóa./.

Hữu Bình/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thuong-dinh-sang-kien-ba-bien-thuc-day-thuc-thi-du-an-ket-noi-ha-tang-917895.vov