Thương hơn trách

Hình ảnh các cầu thủ TPHCM 1 và Than KSVN ẩu đả sau trận bán kết giải nữ VĐQG 2018 trên sân Thống Nhất khiến nhiều người sốc! Tuy nhiên, câu chuyện đó được đặt trong bối cảnh hiện tại của bóng đá nữ Việt Nam lại khiến người ta thương nhiều hơn trách.

Hình ảnh các cầu thủ nữ trong vụ ẩu đả.Ảnh: PV

Đánh nhau ở “chỗ không người”

Bóng đá nữ Việt Nam lâu nay vẫn xảy ra tình trạng đói khán giả. Các trận đấu trong khuôn khổ giải VĐQG có thể đếm được số người đến sân. Có những trận có thể coi như không có khán giả. Thế nên, có nhiều người vẫn nói vui, các cầu thủ nữ luôn thi đấu ở “chỗ không người” nên phần nào giảm bớt áp lực.

Thế nhưng, ở trận bán kết giải nữ VĐQG 2018 giữa TPHCM 1 và Than KSVN, các cầu thủ lại đánh nhau ở… chỗ không người. Đó là màn loạn đả được diễn ra trên sóng truyền hình trực tiếp, trước sự chứng kiến được hàng triệu người xem. Và bỗng nhiên giải nữ - từ chỗ đìu hiu bỗng nhiên nhận được sự chú ý - theo cách không ai mong muốn.

Đây là điều khiến hầu hết các HLV giới bóng đá nữ và những người làm bóng đá Việt Nam sốc. Bởi đó là chuyện chưa bao giờ xảy ra đối với bóng đá nữ. Nguyên nhân được tất cả những người trong cuộc nhìn nhận chung là do áp lực dẫn đến tâm lý ức chế của các cầu thủ.

Áp lực ở đây không chỉ vì thành tích mà CLB đặt ra, đó còn là nằm ở áp lực nghề mà mỗi cầu thủ đang phải tự vượt qua bản thân. Và thậm chí phần nào ở đây là trách nhiệm của chính các HLV trong việc làm tâm lý cho các cầu thủ.

Theo như HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ, nhiều cầu thủ nữ thu nhập rất thấp ở CLB, lương chỉ từ 2-3 triệu đồng. Chính vì vậy mà mỗi suất lên đội tuyển quốc gia được xem như “đổi đời” cho mỗi cầu thủ. Bởi dẫu sao chế độ ở đội tuyển cũng cải thiện hơn.

Tuy rằng, sự quan tâm không nhiều khiến cho tuyển nữ luôn “đói” nhà tài trợ. Nhưng giờ đây, con đường lên tuyển vì thế có thể sẽ đóng lại với những cầu thủ vì dính dáng đến màn ẩu đả như phim hành động ở trận đấu vừa qua.

Bóng đá nữ cần sự cảm thông

Màn ẩu đả của các nữ cầu thủ rõ ràng là sai. Cái sai của họ ở một góc độ nào đó được nhìn nhận là không thể tha thứ với những cầu thủ chuyên nghiệp.

Thế nhưng, ở góc độ bối cảnh bóng đá nữ hiện tại lại cần được cảm thông thay vì chỉ trích. Bởi lẽ màn loạn đả xảy ra mang tính nhất thời chứ hoàn toàn không phải bản chất. Hình ảnh thầy trò HLV Kim Chi ôm nhau khóc sau tình huống hỗn loạn trên sân Thống Nhất phần nào lột tả điều đó.

Thế nhưng vấn đề được đặt ra là xử lý ra sao cho hợp lý để răn đe cho những trường hợp sau mà lại không khiến các cầu thủ nữ đã khó lại khó hơn. Bởi mức thu nhập của các cầu thủ đã thấp nhưng đối diện với án phạt tiền và cấm thi đấu quá nặng cũng khiến nhiều cầu thủ sẽ khó khăn. Đó là điều mà Ban kỷ luật VFF sẽ phải cân nhắc.

HLV Mai Đức Chung nêu quan điểm: “Nếu có lỗi thì phải xử lý, nhẹ xử lý nhẹ để làm gương, bóng đá nam đã xử lý rồi. Một đời VĐV phụ thuộc vào thi đấu rất nhiều, từ CLB đến đội tuyển để đưa hình ảnh và cuộc sống.

Sự việc này đáng tiếc xảy ra thì vẫn phải làm đến nơi đến chốn vì chúng ta đã làm ở V.League rồi. Đây chuyện xảy ra ở nữ cũng phải cương quyết, ai sai đến đâu làm đến đó”.

Bóng đá nữ vốn không được truyền thông và người hâm mộ chú ý dẫn đến thiệt thòi về nhà tài trợ. Như HLV Chung chia sẻ thì: “Tôi luôn muốn kéo truyền thông về phía các cầu thủ nữ. Ủng hộ chúng ta mà để xảy ra chuyện như thế rất là buồn. Đây là trách nhiệm chung không phải chỉ ở lãnh đạo hay VĐV.

VĐV là người cuối cùng thực thi, chúng ta phải hết sức kìm chế. Với bóng đá nữ tôi đang mong hướng đến với hình ảnh khác, những cô gái đá bóng vất vả, chăm chỉ tập luyện, trong thi đấu đạt thành tích mà giờ lại có sự việc như thế. Vụ việc không hay xảy ra, là HLV bóng đá nữ tôi rất buồn”.

HOÀI ĐAN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/thuong-hon-trach-636005.ldo