Thương vụ mua lan giá 3,4 tỉ đồng: Động tác thổi phồng

GS.TS Trần Duy Quý cho rằng, trong giới giao dịch lan là có thật, nhưng nhiều lúc người ta làm động tác thổi phồng lên để khuấy động phong trào.

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin một nhóm người Hà Tĩnh và Thái Bình đến Hải Phòng mua 2 giò lan giá 3,4 tỉ đồng.

Theo anh Phạm Ngọc Thanh (trú tại TP Hà Tĩnh) - một đại diện của nhóm cho biết, hai giò lan này là Hồng Gia Lai và Hồng Liên Anh. Đây là loại đột biến gen, hai chậu lan này thuộc loài phi điệp, hiện chưa ra hoa.

Chiều 15/5, trao đổi với PV trước thông tin trên, ông GS.TS Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội nhìn nhận:

"Trong giới giao dịch lan là có thật, nhưng nhiều lúc người ta làm động tác thổi phồng lên để khuấy động phong trào".

Theo GS Quý, trong thực tế còn nhiều loại lan đắt hơn thế, ví dụ như giò lan 5 cánh trắng tại Phú Thọ. Giò này có 8 thân, mỗi thân dài 1m. Giá mỗi cm là 3 triệu đồng. Như vậy, giò lan đó có giá 2,4 tỉ đồng.

"Giống lan này quý hiếm, nhưng mới chỉ có 3 mắt hổ nên người ta thổi lên hơi quá. Hơn nữa, nhóm khách còn chưa được nhìn hoa", vị chuyên gia nhận xét.

Đại diện nhóm mua 2 chậu lan đột biến gen với giá 3,4 tỉ đồng.

Qua tìm hiểu ông biết rằng, nhóm khách mua đã xem hoa qua ảnh, nhưng giò lan này chưa tòi mầm nên chưa thể biết. Hơn nữa, việc mua hoa này không được người bán bảo lãnh, có thể chỉ gây "choáng" cho cộng đồng mạng.

"Nhóm người này cũng có hiểu biết, chơi làn kỳ cựu, có tiếng tăm nhưng chơi vậy cũng có vẻ nông. Mầm mống này mới đang ủ, nhú bằng hạt đỗ chưa biết ra sao.

Đầu tư như vậy là rất mạo hiểm. Nhưng người ta có tiền và tin tưởng nhau, biết là cây đó sẽ lên hoa như thế, đặt niềm tin rất lớn cho nên sẽ rủi ro. Như tôi sẽ không dám, mình phải nhìn thấy mặt hoa mới yên tâm", Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội nhận xét.

Vị chuyên gia đột biến gen thực vật phân tích, về cơ bản khi phát triển và ra hoa sẽ giống như người bán mô tả. Nhưng nếu điều kiện thay đổi cũng có thể hoa sẽ khác, thậm chí màu hoa khác hoàn toàn. Điều này gọi là mức phản ứng trong di truyền.

Có một vụ kiện rất lớn trong lịch sử, có một loài hoa hồng trắng trồng ở phía Bắc Liên Xô nhưng họ di chuyển về phía Nam cách 4.000km, trồng lên lại ra hoa hồng màu đỏ.

Hai bên cãi nhau và kiện tụng. Một người hiểu sâu quy luật di truyền nói rằng hãy mang cây hồng về phương Bắc trồng lại. Sau khi trồng lại một năm sau cây hoa này lại ra hoa trắng.

Do đó, ông Quý cho rằng, nếu như trong giới buôn bán và người chơi cây không nắm rõ về di truyền học sẽ dễ xảy ra tình trạng tranh cãi, kiện tụng.

"Nó có luật phản ứng, hoàn toàn có màu thay đổi. Điều kiện khí hậu sẽ tổng hợp lên các sắc tố trong tế bào khác nhau. Ở điều kiện nhiệt đới, nóng ẩm sẽ tổng hợp nên sắc tố màu đỏ, còn ở thời tiết lạnh, rét, có khi băng tuyết sẽ bị mất đi các sắc tố tạo thành bạch tạng", GS Trần Duy Quý nói.

Ngay cả chế độ chăm sóc cũng tác động đến sự thay đổi, quy định màu sắc của lan. Ví dụ, nếu như biết cách bón phân kali có thể khiến màu hoa, lá đậm đà hơn.

Hơn nữa, việc chăm lan cũng chịu nhiều rủi ro, yêu cầu rất cao. Nếu không biết cách còn có thể khiến lan chết.

Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội nói về 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ khi chăm lan: "Tưới nước nhiều quá cũng chết, để khô cũng chết. Lan ưa ẩm nhưng không ưa úng, ưa nắng nhưng không được nắng trực tiếp, ưa gió nhưng không được gió to".

Được biết, sau khi mua, nhóm người ở Hà Tĩnh đã nhượng lại 2 chậu lan cho nhóm người ở Thái Bình để tiện chăm sóc, nhân giống. Đến năm sau họ sẽ cho mầm về trồng.

Thu Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thuong-vu-mua-lan-gia-34-ti-dong-dong-tac-thoi-phong-3380151/