Tiền công đức: Không kiểm toán thì minh bạch thế nào?

Theo chuyên gia, tiền công đức tại các chùa không phải đối tượng của kiểm toán, nhưng cần phải công khai, minh bạch nguồn tiền này.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, nhiều ý kiến đã đặt ra vấn đề có nên kiểm toán tiền công đức tại các chùa nhằm minh bạch nguồn tiền do người dân, doanh nghiệp phát tâm cúng dường cho nhà chùa.

Chia sẻ quan điểm của mình với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, bản chất của kiểm toán Nhà nước là chỉ kiểm toán khu vực công, liên quan đến tài chính công, còn tài chính của xã hội và của tư nhân không thuộc thẩm quyền kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán các khu vực trên ở việc họ thực hiện nghĩa vụ với ngân sách (nghĩa vụ thuế) như thế nào mà thôi.

Riêng khoản thu của nhà chùa chính là một khoản thu của xã hội và về cơ bản, nhà chùa không có nghĩa vụ phải nộp thuế khoản thu đó.

Nhiều ý kiến cho rằng phải kiểm toán tiền công đức tại chùa để minh bạch nguồn tiền này. Ảnh minh họa

Với nguyên tắc trên, PGS.TS Nguyễn Đình Hựu cho rằng, trong trường hợp muốn kiểm toán chỉ có cách quy định: Tất cả các khoản thu của xã hội trong trường hợp nào cũng phải đóng góp cho ngân sách nhà nước qua việc nộp một khoản thuế nhất định. Chỉ khi ấy, Kiểm toán Nhà nước mới có thẩm quyền kiểm toán.

Đối với khu vực tư nhân và khu vực khác, nếu muốn kiểm toán thì bản thân những người liên quan phải mời kiểm toán độc lập vào kiểm toán thì lấy kết quả đó sử dụng.

Còn các cơ quan quản lý, như Phòng Văn hóa xã hội quản lý nhà chùa, thì có thể đưa kiểm toán vào để kiểm toán khoản thu của nhà chùa và sử dụng kết quả ấy cho công tác quản lý của mình.

"Luật phải nghiêm chỉnh và rành rẽ: Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán khu vực công, và chỉ có thẩm quyền kiểm toán ở khu vực công. Còn tất cả những ai có quan hệ nộp ngân sách thì Kiểm toán Nhà nước cũng được kiểm toán nhưng chỉ kiểm toán việc họ nộp ngân sách có nghiêm chỉnh không, còn việc khác thì không thuộc đối tượng của Kiểm toán Nhà nước", nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc..., khi được hỏi, kiểm toán nhà nước của họ cũng khẳng định chỉ thực hiện kiểm toán trong khu vực công. Đối với các khu vực khác, nhà quản lý có thể thuê hoặc trong những trường hợp đặc biệt, như xảy ra bê bối, Nhà nước có thể ủy quyền và giao nhiệm vụ riêng cho Kiểm toán Nhà nước, khi ấy lực lượng kiểm toán mới được làm.

Cùng quan điểm, chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ cho hay, ở các nước, kiểm toán nhà nước cũng không can dự vào việc thu của các chùa, ban quản lý chùa sẽ công khai, minh bạch số tiền đó, thu chi thế nào... Nếu phát hiện có tiêu cực, ban quản lý lập tức bị thay thế.

Tại Việt Nam, vị chuyên gia khẳng định, tiền công đức là đóng góp tự nguyện của người dân nên không thể kiểm toán được.

"Kiểm toán không cần và không nên tham gia kiểm toán khoản tiền này làm gì cho "rặm bụng" vì đó không phải việc của kiểm toán.

Tuy nhiên, cần công khai, minh bạch số tiền này, thu chi rõ ràng, mà việc này ở các chùa Việt Nam còn thiếu.

Tôi đề nghị các chùa có thu (trừ tiền công đức) phải kiểm toán, đánh thuế đất và thu thuế các dịch vụ khác giống như doanh nghiệp, không có chuyện kinh doanh chùa", chuyên gia Nguyễn Văn Mỹ nói.

Ông lưu ý, điều quan trọng đối với nguồn thu ở các chùa là sổ sách phải rõ ràng: "Đó là chuyện riêng của chùa nhưng phải chấn chỉnh để nhiều người không thể núp bóng chùa nhằm kinh doanh, rửa tiền, buôn thần bán thánh".

Chia sẻ trên báo chí, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - Kiểm toán Nhà nước cho biết, về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán.

Tương tự, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, mặc dù cơ sở tôn giáo nói chung, tiền công đức nói riêng “không phải đối tượng của kiểm toán” nhưng số tiền này cần phải công khai minh bạch và có cơ chế kiểm soát.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tien-cong-duc-khong-kiem-toan-thi-minh-bach-the-nao-3390282/