Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy sản trên huyện cù lao

Với địa hình cù lao giáp biển, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có nhiều lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản, nhất là địa bàn 2 xã Phú Đông và Phú Tân. Khu vực này là nơi sinh sôi của nhiều giống loài thủy sản như tôm, cua, cá các loại và những loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.5/6 XÃ ĐÃ HÌNH THÀNH VÙNG NUÔI TÔM

Để khai thác có hiệu quả và phát huy tiềm năng thế mạnh đó, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều công trình thủy lợi phục vụ việc nuôi và khai thác thủy, hải sản tiếp tục được xây dựng trên địa bàn, góp phần quan trọng cho việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao đời sống nhân dân.

Lãnh đạo huyện Tân Phú Đông tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (ấp Gãnh, xã Phú Đông).

Từ đó, diện tích nuôi tôm tiếp tục được mở rộng, kết hợp với khai thác nguồn lợi thủy sản từ các cồn bãi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình và kinh tế địa phương, góp phần khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi, khai thác thủy, hải sản trên huyện cù lao.

Bên cạnh đó, nông dân trong huyện còn thực hiện hơn 130 ha mô hình tôm - lúa cùng với khoảng 200 ha được đưa vào khai thác, nuôi nghêu, sò giống tại khu vực Cồn Ngang, Cồn Cống (xã Phú Tân)... góp phần đa dạng hóa giống loài thủy sản trên địa bàn huyện.

Với điều kiện địa lý và môi trường thổ nhưỡng thích hợp cho nuôi thủy sản, huyện Tân Phú Đông thường xuyên chú trọng khai thác triệt để và có hiệu quả mô hình này, nhất là phong trào nuôi tôm. Hiện nay, phong trào nuôi tôm không chỉ phát triển ở 2 xã giáp biển Phú Tân, Phú Đông, mà đến nay đã phát triển rộng ra các xã còn lại như Tân Thạnh, Phú Thạnh và Tân Phú.

Đến nay, 5/6 xã trong huyện đã hình thành được vùng nuôi tôm. Trong năm 2023, toàn huyện thả nuôi thủy sản gần 7.450 ha, đạt 102,3% kế hoạch diện tích; với chủ yếu là nuôi tôm theo 2 hình thức công nghiệp và quảng canh; sản lượng thu hoạch từ thủy sản nuôi trên 37.000 tấn.

Bên cạnh các mô hình nuôi tôm truyền thống, các hộ nuôi tôm trong huyện còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm nước lợ như mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà kính đạt hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được người nuôi áp dụng, nhân rộng.

Hằng năm, huyện Tân Phú Đông thực hiện từ đạt đến vượt kế hoạch diện tích thả nuôi và sản lượng thủy sản thu hoạch. Tuy nhiên, việc huy hoạch vùng nuôi trên địa bàn huyện hiện vẫn chưa đồng bộ, phong trào nuôi tôm tự phát còn khá phổ biến ở các xã dẫn đến tình trạng quản lý dịch bệnh trên tôm thiếu chặt chẽ, nhất là công tác kiểm soát nguồn tôm giống còn hạn chế, là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh mầm bệnh trên tôm trong thời gian qua.

ĐỂ KHẲNG ĐỊNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Để nghề nuôi thủy sản thật sự là kinh tế mũi nhọn của huyện cù lao, phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, yêu cầu quan trọng trước nhất là quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở các mô hình đã được xác định mang lại hiệu quả kinh tế cao: Nuôi tôm công nghệ cao, công nghiệp, quảng canh, tôm - lúa; đồng thời, bố trí vùng nuôi nhuyễn thể (nghêu, sò) tại 2 khu vực Cồn Ngang và Cồn Vượt.

Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện cần tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ quản lý cộng đồng, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh kết hợp vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường nước, không để phát sinh mầm bệnh trên tôm.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn… để kịp thời phục vụ tốt việc nuôi, khai thác tiềm năng kinh tế biển, nâng cao hiệu quả của nghề nuôi, khai thác thủy hải sản trên địa bàn huyện.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, trong thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì diện tích thủy sản thả giống trên 7.000 ha, chú trọng khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại khu vực Cồn Ngang (xã Phú Tân), nuôi thủy sản nước ngọt 250 ha.

Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm chọn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi các trại giống có uy tín, chất lượng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của ngành chức năng; vệ sinh ao nuôi, thả giống đúng theo lịch khuyến cáo; mở rộng mô hình nuôi tôm kỹ thuật cao, nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính.

Đồng thời, chú trọng công tác quản lý chất lượng thủy sản; tiến hành kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản quy mô hộ gia đình không có đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện.

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp trong nuôi thủy sản; tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng dẫn các giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng toàn diện và bền vững hơn.

Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phục vụ sản xuất nông - ngư nghiệp nói chung và nghề nuôi thủy sản nói riêng bảo đảm diện tích, năng suất và sản lượng thu hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy sản trên huyện cù lao.

HỮU DƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202312/tien-giang-nang-cao-hieu-qua-nghe-nuoi-thuy-san-tren-huyen-cu-lao-999064/