Tiếng chuông cảnh báo từ nam Địa Trung Hải

Tại Hội nghị quốc tế về Libya diễn ra mới đây ở Pa-ri dưới sự trung gian của Pháp, hai phe đối địch ở Libya đã đạt thỏa thuận với cam kết tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Đây được coi là “chìa khóa” để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Libya. Tuy nhiên, từ cam kết đến hành động là một khoảng cách. Các nước châu Âu đang nỗ lực giúp Libya thoát khỏi vực sâu khủng hoảng và cũng là tự bảo vệ mình trước mối đe dọa khủng bố và làn sóng di cư xuất phát từ bờ biển Libya vốn đe dọa an ninh của cả châu Âu và khu vực Bắc Phi.

Các nước chủ chốt trong Liên hiệp châu Âu (EU) gần đây thúc đẩy các nỗ lực nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị ở Libya và giúp quốc gia Bắc Phi tăng cường năng lực để ngăn chặn làn sóng di cư từ bờ biển Libya tràn vào châu Âu. Lo ngại tình hình bất ổn ở Libya đe dọa lợi ích của nước Pháp, Tổng thống Pháp E. Macron đã đặt vấn đề Libya là vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Sau các cuộc đối thoại dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp tại Paris, lãnh đạo hai phe đối địch chính tại Libya là người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế ủng hộ, ông Ph.Xa-rai và chỉ huy quân đội quyền lực nhất của phe đối lập ở nước này, Tướng Kh.Háp-ta đã ký thỏa thuận cam kết ngừng bắn và tổ chức bầu cử nhanh nhất có thể.

Sau khi NATO khai hỏa cuộc chiến ở Libya cách đây sáu năm, quốc gia này chìm trong bạo lực của cuộc xung đột “huynh đệ tương tàn” và nỗi lo khủng bố. Hàng chục nhóm vũ trang đã bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực sau khi nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi bị lật đổ hồi năm 2011. Một chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận đã được thành lập và hoạt động tại thủ đô Tripoli từ tháng 3-2016, song đến nay vẫn chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước. Tình hình an ninh bất ổn đã khiến hầu hết các đại sứ quán nước ngoài tại Libya đóng cửa. Đến nay, một số nước chủ chốt thuộc EU đã cử đại sứ trở lại Libya sau khi GNA được thành lập nhằm thể hiện sự đoàn kết với Chính phủ Libya.

Bên kia bờ Địa Trung Hải, các nước châu Âu lo ngại tình hình bất ổn biến Libya trở thành “lò” đào tạo và xuất khẩu khủng bố sang "lục địa già". Libya được cho là nơi thu hút các phiến quân từ khắp nơi trên thế giới, nhất là từ hai “chảo lửa” Iraq và Syria. Quốc gia Bắc Phi này cũng trở thành điểm trung chuyển chính cho những chuyến tàu chở người di cư bất hợp pháp vượt biển sang châu Âu. “Bão” di cư khiến châu Âu chao đảo. Từ đầu năm nay, khoảng 100 nghìn người di cư đã cập bến vào bờ biển của Italy để tới châu Âu, trong đó phần lớn đến từ Libya. 2.200 người di cư đã bỏ mạng trên Địa Trung Hải trong hành trình đi tìm “miền đất hứa”.

Bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng ở Libya, cho nên châu Âu đã nỗ lực giúp quốc gia Bắc Phi này. EU vừa công bố chương trình trị giá 46 triệu euro nhằm hỗ trợ huấn luyện và trang bị cho lực lượng bảo vệ biển và biên giới của Libya, giúp Libya chấm dứt khủng hoảng chính trị và tăng cường khả năng ngăn chặn dòng người di cư. Các lực lượng bảo vệ bờ biển của Italy điều phối các hoạt động cứu hộ ở bờ biển Libya. Chính phủ Italy đã thông qua nghị quyết về việc triển khai sứ mệnh hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển Libya nhằm thực hiện sáng kiến chống nạn buôn người cũng như kiểm soát các đường biên giới và lãnh thổ quốc gia của Libya, theo đề nghị giúp đỡ của Chính phủ Libya.

Theo đó, Rome sẽ triển khai các tàu chiến đến lãnh hải Libya để trấn áp nạn buôn người. Tuy nhiên, động thái này của Rome vấp phải sự phản đối của phía Libya. GNA đã bác bỏ việc từng đề nghị Italy phái tàu hải quân đến các vùng lãnh hải của Libya hoặc các máy bay phản lực chiến đấu đến không phận nước này; Chính phủ Libya khẳng định “chủ quyền quốc gia là một lằn ranh đỏ mà không ai có thể xâm phạm”. Đề xuất của phía Libya là hướng tới một giải pháp mới nhằm hạn chế số thuyền chở người di cư xuất phát từ bờ biển nước này thông qua hỗ trợ các phương tiện tiên tiến, chứ không phải là đưa tàu chiến vào lãnh hải Libya.

Nhằm “chia sẻ” những khó khăn với Italy và Libya, Tổng thống Pháp E. Macron cũng thông báo Pháp sẽ thiết lập tại Libya các trung tâm xử lý đơn xin tị nạn. Trong khi đó, Hội đồng châu Âu (EC) cũng quyết định gia hạn "Chiến dịch Sophia" đến cuối năm 2018 để giám sát và thu thập thông tin tình báo về hoạt động xuất khẩu dầu lậu từ Libya, đánh giá chất lượng huấn luyện của các thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên EU và các cơ quan thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Bạo lực và làn sóng di cư hiện là vấn đề nhức nhối ở Libya, trở thành tiếng chuông cảnh báo từ bờ nam Địa Trung Hải. Dù quốc tế nỗ lực giúp Libya ổn định tình hình, nhưng "chìa khóa" mở cánh cửa hòa bình thật sự vẫn nằm trong tay các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này. Chỉ có hóa giải thù hận, tiến tới tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng nhằm thiết lập một thể chế chính trị vững chắc mới có thể giúp Libya trở lại bình yên và phát triển.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/33632302-tieng-chuong-canh-bao-tu-nam-%c3%b0ia-trung-hai.html