Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở

Từ những xích mích, va chạm nhỏ trong cuộc sống, nếu không kịp thời xử lý, giải quyết sẽ phát sinh yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Do đó, công tác hòa giải luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng và triển khai bằng nhiều biện pháp nhằm kịp thời nhằm giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp theo phương châm “đúng, sai phân minh - lý, tình trọn vẹn”.

Các thành viên Tổ hòa giải, tổ dân phố 1, phường Đồng Xuân gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: Trường Khanh

Chỉ vì mâu thuẫn với gia đình anh chồng về việc tập kết mộ dòng họ về một địa điểm, Nguyễn Thị Hưng, sinh năm 1972 ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên đã đổ xăng đốt chị dâu và cháu nhỏ ngay tại phòng khách, cướp đi sinh mạng của hai bà cháu. Vụ việc đã gây rúng động dư luận, gây bức xúc trong nhân dân vì hành vi dã man, mất nhân tính của đối tượng.

Theo thông tin từ phía gia đình nạn nhân, mâu thuẫn giữa các anh em trong nhà đã kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng không được giải quyết dứt điểm. Đến tháng 7/2022, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm đã xảy ra hậu quả đau lòng; người phải bỏ mạng oan uổng, kẻ phải rơi vào con đường lao lý.

Đồng chí Phan Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: "Không chỉ riêng câu chuyện liên quan đến gia đình đối tượng Hưng, mà trong bất cứ vụ việc nào, nếu mâu thuẫn được phát hiện kịp thời và giải quyết dứt điểm sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, Sở Tư pháp luôn đặc biệt quan tâm tới việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở nhằm phát hiện kịp thời và hóa giải mâu thuẫn ngay khi phát sinh".

Tính đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh kiện toàn gần 1.500 tổ hòa giải với hơn 9.000 hòa giải viên; 100% thôn, tổ dân phố có tổ hòa giải. Một số thôn, tổ dân phố có 2 tổ hòa giải. Mỗi tổ có từ 5-7 thành viên, trong đó, hòa giải viên là nữ chiếm hơn 50%.

Thành phần tổ hòa giải gồm đại diện Ban công tác mặt trận, trưởng thôn, bí thư chi bộ, chi hội nông dân, chi hội phụ nữ... Tất cả đều là cán bộ có uy tín, hiểu biết về pháp luật, từ đó, đảm bảo công tác hòa giải được triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Cùng với việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, hằng năm, Sở Tư pháp biên soạn, phát hành hàng nghìn cuốn tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật để hòa giải viên ở cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu. Từ đó, có những cách xử lý tình huống phù hợp, khơi dậy những suy nghĩ, tình cảm tích cực, giúp các trường hợp tự dàn xếp ổn thỏa mâu thuẫn, tranh chấp, không để kéo dài, phát sinh yếu tố phức tạp.

Trong 3 năm gần đây, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiến hành hòa giải được gần 6.000 vụ, việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt hơn 80%, hạn chế nhiều mâu thuẫn và tranh chấp dân sự phải đưa đến tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết. Từ đó, góp phần đảm bảo quyền làm chủ của người dân ở cơ sở; giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Nhằm tiếp tục nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, “chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”, Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh đẩy mạnh việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực hòa giải cho hòa giải viên.

Biên soạn, biên tập, phát hành tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên, tập huấn viên. Trong đó, xây dựng kế hoạch gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Đối với vụ việc có mâu thuẫn lớn, phức tạp, các hòa giải viên đến nhà từng đối tượng để tìm hiểu nguyên nhân, tiến hành giải thích, vận động, giúp các bên hiểu cặn kẽ vấn đề, đi đến thống nhất, đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích theo đúng quy định của pháp luật.

Để việc hòa giải ở cơ sở thực sự phát huy hiệu quả, hiện nay, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đối với công tác hòa giải.

Bản thân mỗi cán bộ cũng phải trở thành một hòa giải viên. Khi phát hiện có mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cần tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự nguyện ngồi lại với nhau để thỏa thuận, giải quyết mọi vấn đề khúc mắc, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn, dẫn đến phức tạp kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vì sự phát triển chung của địa phương và của toàn tỉnh.

Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94617//tiep-tuc-cung-co-va-nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-co-so