Tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực đưa Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững, có 'bước đột phá, tăng tốc'

Năm 2023, với sự tập trung quyết liệt lãnh đạo thực hiện nghị quyết, phương châm hành động Tỉnh ủy và 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá, kinh tế - xã hội liên tục phục hồi, tăng trưởng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đi vào chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, sáng tạo, đột phá; qua đó thực hiện đạt và vượt 26/27 chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường (phải) tặng hoa cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: BÁ THI

Nổi bật là tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,25% (thứ 02/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thứ 12 của cả nước). Quy mô nền kinh tế ước đạt 83.375 tỷ đồng, tăng 10.477 tỷ đồng so cùng kỳ, xếp thứ 07/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 30,78% còn 28,64%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,75 triệu đồng/người, vượt 7,6% Nghị quyết (tăng 10,23 triệu đồng, xếp hạng 03/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long). Năng suất lao động toàn nền kinh tế ước đạt 155,57 triệu đồng/người, tăng 18,578 triệu đồng/người. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.011 tỷ đồng, tăng 17,07%.

Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm có thêm 10 xã nông thôn mới nâng cao, 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện Trà Cú đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Tổng thu ngân sách đạt 17.175 tỷ đồng, vượt 33,28% dự toán (tăng 8,89% so với cùng kỳ); trong đó, thu nội địa 5.933 tỷ đồng (đến ngày 31/12/2023), vượt 4% dự toán, tăng 7,6%. Hoạt động tài chính tín dụng tăng trưởng ổn định (tổng dư nợ cho vay đạt 43.550 tỷ đồng, tăng 13,1%). Các khoản chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm.

Giải ngân xây dựng cơ bản đến ngày 22/12/2023 đạt 78,7% (cùng kỳ giải ngân đạt 69,3%). Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm, cơ bản định hình tuyến đường hành lang ven biển; đã giải phóng mặt bằng và phối hợp khởi công cầu Đại Ngãi; chủ động phối hợp triển khai thực hiện Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu (giai đoạn 2); Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghi thức ấn nút khởi công dự án xây dựng cầu Đại Ngãi. Ảnh: BÁ THI

Công tác cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh đạt hiệu quả tích cực. Các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh PCI, PAPI, SIPAS, PAR index đều tăng điểm, tăng hạng, giữ thứ hạng khá so khu vực và cả nước; đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đứng đầu cả nước về Chỉ số xanh cấp tỉnh.

Tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay, thu hút được 12 dự án (tăng 04 dự án so với cùng kỳ); phát triển mới 522 doanh nghiệp, vượt 0,44% kế hoạch; phát triển 12 hợp tác xã, vượt 20% kế hoạch. Công nhận 68 sản phẩm OCOP, đến nay toàn tỉnh có 252 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, chính sách người có công, an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo được lãnh đạo thực hiện khá tốt. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,47% (vượt 0,7% Nghị quyết); tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội 29,31% (vượt 34,93% Nghị quyết).

Tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 94,61% (tăng 3,48% so với năm 2022), bán kiên cố chiếm 5,39%, không còn phòng học tạm thời. Tổ chức tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho 15.668 người; giải quyết việc làm vượt 8,44% kế hoạch; đưa 1.192 lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 32,4% kế hoạch (đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay). Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục được kéo giảm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,19%, hộ cận nghèo còn 2,35%. Hộ có mức sống trung bình, có thu nhập khá, giàu ngày càng tăng.

Triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 475 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ cho 4.719 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất (238 tỷ đồng).

Song song đó, chú trọng xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoàn thành phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2026 - 2030. Tổ chức thành công hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Hoàn thành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kim Ngọc Thái bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: SƠN TUYỀN

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh năm 2022 tăng so năm 2021 (năm 2021 đạt 54,58/100 điểm, năm 2022 đạt 61,47/100 điểm).

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng, chống tội phạm được quan tâm chỉ đạo. Tích cực, chủ động giải quyết các vụ án, vụ việc tồn đọng.

Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng có nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng đảng, chính quyền.

Hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh và huyện Cầu Ngang năm 2023 an toàn, đạt yêu cầu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường, năm 2023, mặc dù tập trung lãnh đạo thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá nhưng vẫn còn nhiều nội dung đạt kết quả rất khiêm tốn; chưa có nhiều đột phá, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chính quyền số...

Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong năm 2023: Kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững; tiềm năng, thế mạnh kinh tế chưa khai thác đúng mức, hiệu quả. Khoảng cách về quy mô nền kinh tế so với các tỉnh trong khu vực chậm được rút ngắn. Công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó thiên tai còn bị động, hiệu quả chưa cao; ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt yêu cầu. Xây dựng nông thôn mới có tiêu chí chưa đáp ứng yêu cầu nhưng chậm được tập trung khắc phục, nâng chất.

Thu nội địa tuy vượt kế hoạch nhưng có 07/18 khoản thu không đạt dự toán; cơ cấu nguồn thu chưa đảm bảo bền vững. Tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản chậm so yêu cầu. Công tác thu hút đầu tư chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng chậm được khắc phục; việc xử lý một số dự án đầu tư của doanh nghiệp triển khai chậm hiệu quả chưa cao. Tiến độ triển khai, thực hiện một số công trình, dự án còn chậm; công tác quy hoạch, phát triển đô thị, môi trường có mặt còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao; chất lượng hoạt động hợp tác xã có mặt còn thấp.

Chất lượng giáo dục phổ thông so với mặt bằng chung cả nước còn thấp. Lĩnh vực khoa học và công nghệ chưa có nhiều đột phá, chưa tạo được động lực cho sự phát triển của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế từng lúc từng nơi chưa chặt chẽ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp (3,91%/4%).

Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác nắm tình hình, dư luận xã hội có lúc, có nơi thiếu kịp thời. Công tác quy hoạch, bố trí cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có nội dung chậm so với yêu cầu. Công tác quản lý ngành, lĩnh vực, công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ từng lúc, từng nơi thiếu chặt chẽ.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng lúc, từng nơi chưa được phát huy đúng mức. Quản lý tài nguyên, môi trường từng lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; công tác quản lý và khai thác đất công, vệ sinh, cảnh quan môi trường, trật tự đô thị có mặt chưa đạt yêu cầu, chậm khắc phục.

Tình hình an ninh, trật tự, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Một số vụ việc, vụ án điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chậm; công tác tự kiểm tra nội bộ để chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực chưa thường xuyên…

Theo đồng chí Ngô Chí cường, những hạn chế nêu nên có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan: tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp tác động đến sự phát triển của đất nước và của tỉnh. Trình độ, năng lực, tầm nhìn của một số cán bộ lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác kiểm tra, kiểm soát của một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự nghiêm túc; tình trạng thờ ơ, vô cảm, sợ trách nhiệm, né trách nhiệm, đổ trách nhiệm vào tập thể biểu nhưng chưa được xử lý dức điểm, kịp thời. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, làm ảnh hưởng, trì trệ công việc chung. Chưa kịp thời điều chuyển, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế…

Đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ mười sáu tổng kết Nghị quyết năm 2023, xây dựng Nghị quyết năm 2024.

Phát biểu bế mạc hội nghị Tỉnh ủy tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2023, xây dựng Nghị quyết năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường nhận định, thời gian tới, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường. Rủi ro tiềm ẩn từ tình hình thế giới và khu vực sẽ tác động trực tiếp đến nước ta và tỉnh ta. Do đó, để vượt qua thách thức và chủ động nắm bắt được thời cơ, cơ hội, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, có những giải pháp sáng tạo, phù hợp, khả thi trong công tác lãnh đạo, điều hành và quyết tâm quyết liệt thực hiện nhiều hơn nữa.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, các kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên các lĩnh vực. Tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực đưa Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững và có những “bước đột phá, tăng tốc” nhất là thực hiện hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét, tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá; phấn đấu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuối năm 2024.

Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành gắn với thực hiện quyết liệt phương châm hành động của Tỉnh ủy “Đoàn kết, K cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó. Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp ủy, chính quyền đúng quy chế, quy định.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay tình trạng 04 không: (1) không nghĩ ra để làm, (2) cấp trên chỉ ra nhưng không làm, làm chậm tiến độ; (3) không hoặc chậm phối hợp cơ quan khác để làm, (4) triển khai mà không kiểm tra, giám sát, không nắm tiến độ để lãnh, chỉ đạo, đôn đốc mà để người dân tự làm.

Khen thưởng, phê bình, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, nhất là các văn bản của Trung ương về đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, hành động trong toàn hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đã được xác định. Tập trung thực hiện tốt công tác cán bộ, luân chuyển, điều động bố trí cán bộ hợp lý, hiệu quả, nhất là tạo nguồn, rèn luyện cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc. Chuyển đổi công tác những cán bộ đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để tạo được sức hút mạnh trong tập hợp, đoàn kết, huy động sức mạnh của nhân dân trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Tăng cường tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển Chính quyền số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS...).

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề “Trà Vinh - Khát vọng phát triển” diễn ra vào ngày 14/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trà Vinh sớm ban hành kế hoạch cụ thể hóa thực hiện quy hoạch. Ảnh: BÁ THI

Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện đúng kế hoạch mở rộng thành phố Trà Vinh. Huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế. Bộ phận tư vấn, Trường Đại học Trà Vinh cần phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm tập hợp, phát huy đội ngũ tri thức, nhà khoa học trong phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế của tỉnh.

Tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về thủ tục, tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án đúng kế hoạch; đôn đốc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Kiên quyết xử lý những trường hợp, những dự án cố ý kéo dài, chậm tiến độ, sai phạm, không thực hiện dự án, làm chậm sự phát triển của tỉnh.

Tập trung xây dựng nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, nhưng có sự đột phá; trong đó tập trung phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực: năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp chế biến, du lịch…. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang công nghiệp, thương mại dịch vụ; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; sản xuất bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sản xuất liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh cao. Nâng cao năng lực dự báo và chủ động phòng, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Triển khai thực hiện tốt chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ sản phẩm hàng hóa và chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng được thị trường sức lao động. Tập trung công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, nhất là quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả, đúng pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lợi hải sản, quản lý chặt chẽ đất công; quan tâm chấn chỉnh trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường,...

Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tập trung đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; kéo giảm tai nạn giao thông. Thực hiện tốt công tác tiếp, đối thoại công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-tinh/tiep-tuc-phat-huy-toi-da-nguon-luc-dua-tra-vinh-phat-trien-nhanh-ben-vung-co-buoc-dot-pha-tang-toc-34187.html