Tìm đâu ra nước ngọt cho Lý Sơn?

Phát triển du lịch để người dân dần dần 'ly nông' là một hướng đi đúng nhằm hạn chế tình trạng nhiễm mặn ngày một trầm trọng cho đảo Lý Sơn.

Hằng năm, cứ vào mùa khô hạn, bắt đầu từ tháng 5 đến hết hè, câu chuyện làm cách nào để tìm nguồn nước ngọt một cách căn cơ cho đảo Lý Sơn lại được các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh Quảng Ngãi đặt lên bàn nghị sự.

Năm nay, đề xuất của ngành nông nghiệp làm hệ thống thu gom nước mưa khoảng 1 triệu mét khối mỗi năm, kinh phí 250 tỉ đồng đang được tỉnh Quảng Ngãi xem xét.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, với diện tích trên 10km2, mỗi năm, hòn đảo này nhận một lượng nước mưa khoảng 9 triệu mét khối, trừ số thấm vào đất và bốc hơi, số còn lại khoảng 3 triệu mét khối sẽ chảy tràn trên mặt đất và trôi ra biển.

Một hệ thống mương và bể chứa sẽ được xây dựng quanh đảo để “đón” số nước mưa trước khi trôi ra biển khoảng 1 triệu mét khối. Số nước này, 600 ngàn mét khối sẽ dùng vào việc tưới cho khoảng 300 hecta đất canh tác cây tỏi và ngô trên đảo, số nước còn lại sẽ phục vụ sinh hoạt cho người dân và khách du lịch.

Một bài toán về thiệt - hơn được đưa ra: Nếu đem 250 tỉ đồng gửi ngân hàng vào thời điểm hiện tại, mỗi năm có khoảng 20 tỉ đồng tiền lãi, số tiền này mua nước ngọt từ đất liền chở ra đảo sẽ “lợi” hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là phép tính của người đi “buôn nước” đơn thuần, vì mục đích của việc làm các bể chứa để gom nước mưa trên đảo không chỉ để hòn đảo có thêm lượng nước ngọt không bị nhiễm mặn, mà còn là tạo môi trường trong lành, tránh rơi vào tình trạng khô khốc vào mỗi mùa khô hạn.

Từ hàng chục năm nay, nhất là khi áp lực dân số ngày một tăng, du lịch phát triển mạnh, khí hậu ngày một khắc nghiệt hơn, bài toán về nước ngọt cho đảo Lý Sơn luôn được đặt ra.

Nhà nước đã đầu tư trên 30 tỉ đồng để làm một hồ chứa nước ngay miệng núi Thới Lới hơn 10 năm nay với hy vọng sẽ bổ sung nguồn nước ngọt một cách phong phú, song gần 300 ngàn mét khối nước của hồ này cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu nước tưới cho đảo.

Do đặc thù, hồ nước này không giống các hồ chứa trong đất liền là dẫn nước từ các khe suối về. Hồ Thới Lới như một chiếc thau giữa trời, hễ năm nào mưa lớn ở đảo thì nước trong hồ khá hơn. Ngược lại, năm nào lượng mưa ít thì coi như hồ cạn đáy. Vì vậy, giải pháp “ngọt hóa” hòn đảo từ hồ chứa này như kỳ vọng là không khả thi mà chỉ mang tính hỗ trợ.

Để bù vào khoảng thiếu hụt nguồn nước tưới, người dân đã đóng giếng trên các cánh đồng tỏi. Trên 2.000 giếng được đóng trên diện tích 10 km2 thì đủ biết mức độ dày đặc của các giếng nước như thế nào rồi.

Khi mùa khô hạn đến, đồng loạt các giếng nước này hoạt động hết công suất, dẫn đến tình trạng “rỗng ruột” hòn đảo. Nước mặn theo đó thâm nhập vào khiến Lý Sơn ngày càng bị nhiễm mặn. Đó là lý do để hình thành các bể chứa nước ngọt được thu gom từ những trận mưa trên đảo như đã nói trên đây.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ về nước ngọt cho đảo vẫn là tìm cách khác để hạn chế diện tích trồng tỏi và ngô - hai loại cây đã hút quá nhiều nước ngọt của đảo. Phát triển du lịch để người dân dần dần “ly nông” là một hướng đi đúng nhằm hạn chế tình trạng nhiễm mặn ngày một trầm trọng cho đảo Lý Sơn.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tim-dau-ra-nuoc-ngot-cho-ly-son-post638021.html