Tỏa sáng ngọn lửa nhiệt tình vì dân

Buổi gặp mặt, tuyên dương già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu năm 2024 vừa được tổ chức tại Nhà văn hóa Quân khu 5 là dịp để tôn vinh những người có nhiều công sức đóng góp trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trong xây dựng 'thế trận lòng dân'. Họ thực sự là những gương sáng giữa thời bình...

Dường như đại biểu nào cũng muốn có mặt sớm bởi sự kiện này không đơn thuần là dịp để biểu dương, tôn vinh người có công, mà còn là cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong quá trình “bám dân” để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương kiến thiết, xây dựng cuộc sống mới. Già làng Mạc Văn Min (ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) say sưa chia sẻ kinh nghiệm về quá trình vận động bà con trong thôn tự nguyện hiến đất, hiến hoa màu làm đường dân sinh.

Để làm gương, sau khi bàn bạc với người thân trong gia đình hiến 1 sào đất, ông Min chủ động đến từng nhà dân nói chuyện, phân tích với bà con, sau đó tổ chức họp làng để mọi người cùng tham gia góp ý. Ông cứ kiên trì tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng 30 hộ dân trong thôn tự nguyện làm theo, thậm chí một số gia đình tự chặt bỏ hoa màu, chuồng trại, tham gia góp công, góp sức để đường nông thôn nhanh chóng hoàn thành.

Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 trò chuyện cùng các già làng, trưởng thôn tiêu biểu.

Già làng Chamaleá Liếp, người dân tộc Raglai (xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) được ví như người truyền lửa trong công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động thanh niên trong xã chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự; góp phần lưu giữ, phát huy nét văn hóa, ngôn ngữ và các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai.

Để góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, già làng Chamaleá Liếp tham gia và vận động xây dựng mô hình tộc họ tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn xã, tổ chức thành lập 16 tổ tự quản của 5 thôn trong toàn xã và 1 tổ tự quản của Hội Cựu chiến binh xã. Các tổ tự quản hoạt động nền nếp, hiệu quả, vì vậy, trên địa bàn không có trường hợp nào vi phạm phải xử lý theo pháp luật.

Người dân xã Ba Bích, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) ai cũng kính trọng và tin yêu ông Phạm Viết Nho, bởi những lời ông nói, việc ông làm đều xuất phát từ mục đích vì dân, lo cho dân. Ở quê ông, bà con dân tộc Hrê nhìn chung trình độ dân trí còn thấp, kinh tế-xã hội phát triển chưa mạnh; đến nay vẫn còn một số tập tục lạc hậu như: Tảo hôn, cúng bái, ma chay...; truyền đạo trái phép, tranh chấp đất đai... còn xảy ra ở một số nơi trên địa bàn huyện.

Trước tình hình đó, ông Nho đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ dân phố làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Ông còn tích cực cùng các cộng sự gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Lễ hội cồng chiêng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền, vận động, giáo dục con em học tập nếp sống văn minh, tiến bộ.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm bám dân, ông Phạm Viết Nho tâm sự: “Đã là người cán bộ thì nói phải đi đôi với làm; đã làm thì làm đến nơi đến chốn; cái gì có lợi cho dân, cho đất nước thì làm và luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc; mẫu mực nêu gương cho con cháu trong gia đình, dòng họ và quần chúng nhân dân noi theo...”.

Lãnh đạo Quân khu 5 trao bằng khen tặng ông Đinh A Muốc, dân tộc Ba Na ở làng Pờ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: KIM NGÂN

Trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên còn có những gương sáng thời bình, đó là những già làng, trưởng thôn, người có uy tín như: Bà Siu Phyin, dân tộc Gia Rai, ở làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; già làng La Chí Thái, dân tộc Ba Na, ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên; ông Đinh A Muốc, dân tộc Ba Na, ở làng Pờ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai... Họ chính là những hạt nhân tích cực đem nghị quyết của Đảng đến với dân.

Đến dự và chủ trì buổi gặp mặt, Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 khẳng định: “Trên địa bàn Quân khu 5 có 52 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thời gian qua, già làng, trưởng thôn, người uy tín ở các vùng đồng bào luôn đóng vai trò nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất gắn với giữ gìn an ninh trật tự địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội bền vững, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh...”.

TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/toa-sang-ngon-lua-nhiet-tinh-vi-dan-776023