Tổng kết lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại tỉnh Đồng Tháp

Kỳ 1: Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Từ năm 1986 đến nay, trải qua 8 nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và triển khai thực hiện đạt nhiều chuyển biến tích cực trong nghiên cứu, vận dụng những lý luận cơ bản về nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Đồng Tháp

BỐI CẢNH TRƯỚC ĐỔI MỚI

Trước đổi mới (năm 1986), tỉnh Đồng Tháp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn cần phải sớm được giải quyết. Trong cải tạo công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp có nhiều sai lầm, khuyết điểm nên trì trệ trong sản xuất, kinh doanh, làm cho đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, như: Ngành công nghiệp phát triển chậm, công nghệ lạc hậu, chưa tận dụng hết công suất, chưa phục vụ tốt cho nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, thủy sản; cơ chế gò bó; thiếu vốn, vật tư kỹ thuật và công nhân lành nghề; ngành tiểu thủ công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn ở dạng tự sản, tự tiêu. Nhiều đơn vị thương nghiệp chưa phục vụ hiệu quả cho sản xuất và đời sống; chưa chăm lo đầy đủ việc đầu tư và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất tại địa phương; chưa phối hợp tốt với các ngành để tạo ra nguồn hàng xuất khẩu... Lĩnh vực nông nghiệp phát triển chậm và còn nhiều yếu kém; khai thác chưa tốt tiềm năng lao động, đất đai, mặt nước, nhất là đối với vùng Đồng Tháp Mười; bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ chưa thích hợp. Ở một số huyện vẫn theo lối canh tác cũ, nên diện tích gieo trồng năng suất, sản lượng chưa cao...

Mặt khác, đời sống văn hóa, xã hội của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là nhà ở, phương tiện đi lại, nhu yếu phẩm, thuốc điều trị bệnh và cơ sở điều trị bệnh còn quá ít (1.000 dân/1 giường bệnh). Thiếu giáo viên và trường lớp, tình trạng dạy từ 3 đến 4 ca/ngày còn phổ biến; có lúc, có nơi dạy từ 5 đến 6 ca/ngày. Tại các xã vùng sâu, các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn nhiều hạn chế; tệ mê tín dị đoan còn tồn tại ở nhiều nơi và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên ở mức cao.

Thực trạng trên đã đặt ra cho Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp hàng loạt các vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Phải “Đổi mới để tiến lên” là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết, mang tính khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh, của đất nước và của thời đại. Chỉ có đổi mới và đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế, khắc phục tư duy cũ, cách làm cũ thì mới giúp tỉnh Đồng Tháp thoát khỏi tình trạng khó khăn, khủng hoảng.

KỊP THỜI CỤ THỂ HÓA CÁC CHỦ TRƯƠNG, ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐẢNG

Trong gần 40 năm đổi mới, từ thực tiễn cụ thể hóa và áp dụng vào thực tế đã chứng minh, tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào phát triển mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Để cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI (1986), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV, nhiệm kỳ 1985 - 1990 được tiến hành và xác định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận hội nghị của Bộ Chính trị về một số quan điểm kinh tế, kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh đề ra nhiệm vụ: “Chương trình lương thực - thực phẩm, trước hết là tập trung cho phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; chương trình hàng tiêu dùng và chương trình hàng xuất khẩu”, từ đó, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ tiêu kế hoạch và các chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1990 - 1995 xác định mục tiêu cụ thể về kinh tế: “Phấn đấu đến năm 1995, nâng giá trị tổng sản phẩm xã hội của tỉnh lên 1,5 lần so với năm 1990”. Đồng thời quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện cả về kinh tế và chính trị gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đẩy mạnh chuyển nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Nhà nước. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho phát triển tiềm năng kinh tế Đồng Tháp Mười, cho giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Năm 2001, lần đầu tiên Đảng ta xác định kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường. Để triển khai chủ trương của Đảng, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001 - 2005 đã đề ra phương hướng và giải pháp gắn với chủ trương phát triển KTTT định hướng XHCN: “Ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân trong điều kiện hàng năm có lũ là nhiệm vụ hàng đầu”; “Tiếp tục đổi mới và phát triển quan hệ sản xuất, trong đó thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, đan xen, hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu và đa dạng hóa về hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh; Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới và tạo lập đồng bộ các yếu tố của KTTT theo định hướng XHCN, đổi mới và tăng cường vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Phát triển kinh tế toàn diện, bền vững, coi trọng chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. Trong đó, coi trọng phát triển các thành phần kinh tế như: Trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế đa sở hữu, thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu “Tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực công nghiệp, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh”. Trong các nhiệm vụ và giải pháp đề ra đều bảo đảm phát triển KTTT định hướng XHCN như: Công tác đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế đáp ứng yêu cầu thị trường... đề cao vai trò phát triển thành phần kinh tế với nhiều hình thức sở hữu.

Song song đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh còn chủ động tiếp thu và cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN” và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN” thành các chương trình hành động cụ thể và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ.

Trên cơ sở những nhiệm vụ đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh qua các giai đoạn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa thành các chương trình, nghị quyết, kết luận chuyên đề theo từng nhiệm kỳ; chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh và chỉ đạo các cấp ủy, địa phương ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, kết luận chuyên đề của tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh còn ban hành nhiều văn bản khác liên quan đến các nội dung về KTTT định hướng XHCN.

Có thể thấy, việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện về phát triển KTTT định hướng XHCN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và ngày càng hoàn thiện qua từng thời kỳ, trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từng nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cấp tỉnh tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Phú Trọng

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tong-ket-ly-luan-va-thuc-tien-ve-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-tai--118579.aspx