Tổng thống Indonesia quyết xây dựng thủ đô mới

Khi chỉ còn hơn một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang đẩy mạnh dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara để giảm tải cho 'siêu đô thị' Jakarta.

Trước khi trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, Tổng thống Joko Widodo - chính trị gia thường được gọi với cái tên thân mật Jokowi - phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn không kém: Cứu lấy thủ đô Jakarta.

Trong hai năm giữ cương vị thống đốc Jakarta, ông Jokowi đã cho xây dựng hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng để ngăn biển, thoát nước. Nhưng những nỗ lực ấy chưa đủ vì Jakarta tiếp tục chìm. Giờ đây, 40% diện tích thành phố đã thấp hơn mực nước biển, theo New York Times.

Khi đã là nguyên thủ quốc gia, nhận ra tình hình tại Jakarta không thể cứu vãn, ông Jokowi đề ra phương án mới: Làm lại từ đầu.

Trên ghế tổng thống, ông Jokowi thúc đẩy việc dời đô từ Jakarta tới một thành phố mới trên đảo Borneo, cách đó hơn 1.000 km. Thủ đô mới có tên “Nusantara” - có nghĩa là “quần đảo” theo tiếng Java cổ.

Kế hoạch của ông Jokowi đã gặp phải sự nghi ngờ từ nhiều người dân lẫn hàng loạt thách thức khác. Tuy nhiên, thủ đô mới cũng có thể là cơ hội để Indonesia chuyển dịch trọng tâm phát triển của đất nước và phát triển theo hướng xanh hơn, hiện đại hơn.

“Chúng tôi muốn xây dựng một Indonesia mới”, ông Jokowi nói. “Đây không đơn giản là bê các tòa nhà từ nơi này đến nơi khác. Chúng tôi muốn cách làm việc mới, tư duy mới và nền kinh tế xanh mới”.

Thành phố đang chìm dần

Khi bà Emi còn nhỏ, gia đình bà sống ở khu Pluit của Jakarta, trông ra biển Java. Thời gian trôi qua, biển dần dần tiến tới gần Pluit hơn. Dù giới chức Jakarta đã phải xây các con đê để ngăn sóng dữ, nhà của bà Emi vẫn bị sóng đánh sập trong trận lũ lớn năm 2007.

Tuy nhiên, gia đình bà vẫn phải xây nhà mới trên chính nền đất cũ do không còn nơi khác để chuyển đi. Giờ đây, một bức tường khoảng 2 m đã được xây cách ngôi nhà chỉ một con đường. Ở bên kia bờ tường là biển, sóng có lúc đánh gần đến đỉnh bờ tường.

“Khi tôi lớn lên, đất còn cao hơn biển. Giờ đây biển đã cao hơn đất”, bà Emi nói. “Tôi không nghĩ đây là điều tự nhiên”.

Ông Jokowi trở thành thống đốc Jakarta 5 năm sau trận lụt kinh hoàng tàn phá Pluit. Vị trí này thường được coi là nấc thang để vươn tới các chức vụ cao hơn, do đó nhiều thống đốc không quá quan tâm tới các vấn đề dài hạn của thành phố.

Ông Jokowi thì khác. Ông đã yêu cầu khoảng 7.000 người sinh sống trái phép tại Pluit phải rời đi để củng cố bức tường thành ngăn biển.

40% diện tích Jakarta đã chìm dưới mực nước biển. Ảnh: New York Times.

Tuy vậy, mực nước vẫn tiếp tục tăng cao, có lúc tràn vào phòng khách nhà bà Emi. Sau khi ông Jokowi trở thành tổng thống, chính quyền Jakarta tiếp tục có nhiều sáng kiến chống lũ lụt như đào mương, xây hồ chứa… nhưng chỉ là các giải pháp tình thế. Cả bà Emi lẫn các chuyên gia đều nhận định như vậy.

Tuy nhiên, bà Emi vẫn không thể tin rằng thủ đô sẽ được rời khỏi Jakarta.

“Đây là thủ đô, đây là một thành phố lớn. Cái chỗ ở Borneo kia thậm chí không phải một ngôi làng, mà một ngôi làng cũng không nên là thủ đô của Indonesia”, bà nói.

Bên cạnh sự hoài nghi, kế hoạch của ông Jokowi phải đối mặt với nhiều thách thức, từ tham nhũng tới chất vấn của phe đối lập. Bên cạnh đó, dời đô không thể thay đổi thực tế rằng hàng chục triệu người vẫn sẽ phải sống ở thành phố Jakarta chật chội. Ngoài ra, nhiều người dân trên đảo Borneo cũng không muốn thủ đô chuyển về đó.

Ông Pandi Jonadi, một già làng của tộc người Balik địa phương, sống gần dự án xây dựng một con đập phục vụ Nusantara. Hồi năm 1969, ông đã từng phải từ bỏ nơi gia đình ông từng sinh sống trong nhiều thế hệ để phục vụ một lâm trường khai thác gỗ. Giờ đây, ngôi làng mới của ông cũng sẽ bị phá hủy khi con đập hoàn thành.

Giới chức Indonesia tuyên bố đã làm việc với cộng đồng địa phương để đảm bảo họ có thể chuyển đến nơi ở mới an toàn và được đền bù đúng mức. Trong khi đó, ông Pandi nói rằng chính phủ thậm chí chưa nói chi tiết về kế hoạch di dời.

“Tất cả những gì họ nói là chúng tôi có thể bán các món hàng lưu niệm của người Balik cho du khách đến thăm con đập. Điều này là không đủ”, ông Pandi nói.

Tuy nhiên, cũng có những người địa phương chào đón dự án. Một trong số đó là Tỉnh trưởng Đông Kalimantan Isran Noor - cũng là thành viên của một bộ lạc địa phương.

Ông Isran từng tuyên bố phản đối mọi kế hoạch phá hủy các khu rừng trong khu vực. Dù vậy, giờ đây ông khẳng định dự án sẽ đem đến thêm nhiều việc làm và công nghệ mới để phát triển tỉnh.

“Không ai ở Đông Kalimantan không hạnh phúc với thủ đô mới”, ông Isran tuyên bố. “Không ai cả”.

Kế hoạch tham vọng

Vấn đề của Indonesia cũng là vấn đề mà nhiều nước đang phát triển khác phải đối mặt. Dưới thời thuộc địa, các thành phố thủ phủ - như Jakarta - thường chỉ đóng vai trò “tiền đồn” của chính quốc. Khi các quốc gia giành độc lập, họ thường tận dụng địa điểm này để xây dựng các thành phố hiện đại.

Tuy nhiên khi các thành phố lớn dần, chúng cũng phải đối mặt với thách thức kép: Quá tải dân số và biến đổi khí hậu. Khi đó, dời đô để “làm lại từ đầu” được coi là lựa chọn hợp lý.

Trên thực tế, Indonesia không phải quốc gia đầu tiên thay đổi thủ đô. Tanzania hay Pakistan đều đã dời đô nhằm chuyển dịch trung tâm quyền lực của đất nước tới một khu vực khác. Trong khi đó, Malaysia và Ai Cập - những nước xây khu hành chính mới ngay sát thủ đô cũ - chỉ muốn đưa các cơ quan ra khỏi sự chật chội của các đô thị lớn.

Phối cảnh một góc thành phố Nusantara. Ảnh: New York Times.

Tham vọng của ông Jokowi không chỉ dừng ở việc cứu người dân Jakarta khỏi viễn cảnh bị nước biển nhấn chìm. Vị tổng thống tuyên bố Nusantara không chỉ là một thành phố bình thường, mà phải trở thành một đô thị xanh hoạt động nhờ năng lượng tái tạo, nơi người dân không lo tắc đường và có thể thoải mái dạo bộ hoặc đi xe đạp.

Nusantara cũng được quy hoạch để trở thành một thành phố công nghệ cao với kỳ vọng thu hút thế hệ trẻ - đặc biệt là “dân du mục kỹ thuật số” - từ khắp thế giới tới sinh sống.

Ông Roni, một tài xế lái xe tải phục vụ dự án, giờ đây nhận được 110 USD/tháng cho công việc mới - cao hơn mức lương ở mỏ than trước đây. Dù tỏ ra khó hiểu với dự án, ông vẫn vui vì sự chú ý mới mà quê hương mình nhận được.

“Tôi không hiểu tại sao Jokowi muốn đặt thủ đô ở đây, nhưng tôi vui mừng vì chúng tôi được ông ấy chú ý”, ông Roni nói, chỉ ra không tổng thống nào đến thăm cộng đồng Dayak địa phương nhiều như ông Jokowi, và cũng không ai làm cho họ cảm thấy mình là một phần của đất nước Indonesia nhiều như vị tổng thống.

Giống như đại đa số tổng thống Indonesia, ông Jokowi đến từ đảo Java - nơi được coi là trung tâm kinh tế, chính trị lẫn dân số của đất nước. Việc dời đô đến Borneo được coi là nỗ lực nhằm thiết lập lại cán cân này theo hướng đa dạng hơn.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Jokowi sẽ kết thúc vào năm 2024, do đó công tác xây dựng Nusantara đang được đẩy nhanh. Ông Jokowi còn không nhiều thời gian để thực hiện tham vọng có tên trong sử sách với tư cách nhà lãnh đạo đem tới thủ đô mới cho Indonesia.

“Với tư cách một nhà hoạch định đô thị, tôi có thể nói rằng IKN (tức dự án xây dựng thủ đô mới) vấp phải nhiều hoài nghi. Nhưng với tư cách một người Indonesia, tôi nghĩ chúng tôi cần chứng minh mình có thể làm được”, chuyên gia Deden Rukmana tại Đại học Alabama A&M (Mỹ) nói.

Tầm nhìn chưa rõ ràng

Khi nhận được tin giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế kế hoạch tổng thể xây dựng thủ đô mới của đất nước, ông Sibarani Sofian - chuyên gia quy hoạch đô thị người Indonesia - không khỏi bất ngờ.

“Tôi nghĩ rằng tại sao họ không thuê một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới để xây dựng thủ đô mới? Chúng tôi thực sự cần ai đó giỏi hơn cho công việc này”, ông Sibarani hồi tưởng.

Dù vậy, ông vẫn bắt tay vào công việc. Đầu tiên, ông cần tìm hiểu về địa hình và truyền thống kiến trúc địa phương.

“Borneo nổi tiếng với các khu rừng nhiệt đới. Là một người Indonesia, tôi nghĩ rằng kế hoạch xây thủ đô mới cần dựa trên tự nhiên”, ông nói.

Vị kiến trúc sư mong muốn Nusantara sẽ khuyến khích các nước đang phát triển xây dựng thành phố dựa trên các tập quán và điều kiện của mình thay vì phỏng theo tiêu chuẩn phương Tây. Tuy nhiên, kế hoạch của ông cho Nusantara liên tục phải thay đổi vì mong muốn (cũng liên tục thay đổi) của Tổng thống Jokowi.

Sibarani Sofian, người thiết kế thủ đô mới cho Indonesia. Ảnh: New York Times.

Ban đầu, ông Sibarani muốn xây thành phố mới ở vùng đất bằng ven một vịnh biển. Tuy nhiên, ông sau đó nhận được chỉ thị đẩy địa điểm của thành phố vào sâu thêm 3 km để tới vùng đất cao hơn. Ông phàn nàn rằng chỉ 30% diện tích đất nơi đây đủ vững chắc để xây dựng các công trình.

“Tự nhiên sẽ không vui nếu chúng ta xây dựng như vậy”, ông nói.

Khi ông Jokowi tới thăm Moscow năm 2022, ông lại có thêm ý tưởng cho thủ đô tương lai của Indonesia. Những con phố rộng ở thủ đô nước Nga khiến vị tổng thống ấn tượng. Ngay sau đó, ông ra chỉ thị mở rộng đại lộ chính của Nusantara lên 6 làn đường một chiều với mỗi làn đường rộng hơn - dù điều này mâu thuẫn với tầm nhìn xây dựng thành phố thuận lợi cho người đi bộ của chính ông.

“Bạn sinh ra một đứa con và hy vọng nó có hai mắt và trông bình thường, nhưng nó lại giống như một tên khổng lồ Cyclops”, ông Sibarani phàn nàn.

Dù vậy, quyết tâm của ông Jokowi vẫn không suy suyển. Cuối năm 2022, phóng viên New York Times đã có dịp đi cùng vị tổng thống khi vị ông thị sát dự án xây dựng thủ đô mới.

Ông Jokowi tạo ấn tượng là bản thân nắm rõ mọi ngóc ngách của dự án: Từ các số liệu thống kê, chỉ số kinh tế tới các thông số của con đập đang được xây dựng hay loại đất cần thiết để ươm giống cây trồng cho thành phố.

Vị tổng thống chỉ cho phóng viên địa điểm dự kiến của tòa nhà Quốc hội, phủ tổng thống, thánh đường Hồi giáo quốc gia và nơi thờ tự của các tôn giáo khác. Ông cam kết gần hai triệu người dân sẽ đổ về thành phố này chỉ trong hai thập kỷ - dù thừa nhận nơi đây có thể không đủ nước ngầm cho cư dân trong tương lai.

“Xây dựng một thành phố sẽ tốn nhiều thời gian, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều - đây không phải Aladdin và cây đèn thần”, ông Bambang Susantono, lãnh đạo cơ quan phụ trách dự án Nusantara, nói. “Chúng tôi sẽ phải chứng minh rằng thành phố có thể tự vận hành dựa trên nguồn lực của mình”.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-indonesia-quyet-xay-dung-thu-do-moi-post1432913.html