TP. Hồ Chí Minh phải là đầu tàu trong việc kết nối phát triển du lịch với ĐBSCL

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngành du lịch tại Hội nghị 'Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết phát triển du lịch' do Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 5/9 tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng các tổ chức xúc tiến du lịch, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội nghị ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, liên kết hợp tác trong phát triển vùng là quy luật tất yếu và cấp thiết trong phát triển mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội. TP. Hồ Chí Minh xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL nên cần có sự kết nối toàn diện và bền vững giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Trong đó liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những đòn bẫy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Tuyến, trong những năm qua, nhận thức về vai trò của ĐBSCL đối với phát triển của TP. Hồ Chí Minh và vai trò của TP. Hồ Chí Minh đối với phát triển khu vực này chưa đầy đủ nên trên thực tế chưa phát huy hết và đúng tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Việc quy hoạch phát triển chưa có tính kết nối đồng bộ, thiếu phối hợp và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm cho cả vùng và thành phố. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành. Do đó sự thiểu đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng, kinh tế, nguồn nhân lực, đều có tác động trực tiếp để sự phát triển của ngành du lịch.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Du khách đến ĐBSCL năm 2018 đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 17%, trong đó du khách quốc tế có khoảng 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017 – một sự tăng trưởng vượt bật trong hai năm qua.

Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hóa đặc trưng, khác biệt và chưa tương quan với nguồn nhân lực của một vùng trên 20 triệu dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế trong kết nối du lịch vùng: với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - đón tiếp và phục vụ mỗi năm khoảng 25 triệu hành khách quốc tế, ga xe lửa Sài Gòn – điểm cuối của hành trình Bắc Nam và là đầu mối đón lượng khách lớn về TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục hành trình về các tỉnh, thành ĐBSCL. Bên cạnh đó, Thành phố còn là địa bàn hoạt động của 1.200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Với vai trò là trung tâm liên kết trong phát triển du lịch, TP.Hồ Chí Minh phải là “nút giao” quan trọng, hợp tác toàn diện với các địa phương.

Theo đó, căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan, định vị sản phẩm du lịch vùng, để tạo ra sức hút, thúc đẩy liên kết du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng bền vững.

Độ dài bình quân một chuyến đi của khách du lịch đến Việt Nam là 12,07 ngày, trong đó thời gian lưu trú bình quân tại TP. HCM là 4,98 ngày; nếu theo đoàn là 3,61 ngày. Năm 2018, lượt khách quốc tế đến TP. HCM là 7,5 triệu. Nếu 2/3 số lượt khách này sẽ lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, kéo dài độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân; sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, du lịch của các tỉnh thuộc cụm liên kết phía đông có nhiều khởi sắc, thu hút 10 triệu lượt khách/năm, 1,8 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu trên 4 nghìn đồng/năm. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như tổng thu du lịch còn thấp, chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp.

Lý giải về việc tồn tại một số hạn chế trên ông Hùng cho rằng nguyên nhân là do hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu, sản phẩm du lịch đơn điệu, tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế.

Ông Hùng đề xuất cần có chính sách ưu tiên xây dựng nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh và 6 tỉnh trong cụm. Đề nghị TP. Hồ Chí Minh: “Về phía địa phương, mỗi tỉnh cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển du lịch. Riêng tỉnh Đồng Tháp đã ban hành chính sách đầu tư phát triển du lịch, ngoài việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng còn có chính sách thu hút đầu tư cơ sở lưu trú đạt chuẩn 3 sao, 4 sao” - ông Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch ngày nay đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng và có tầm ảnh hưởng toàn cầu, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2018, khách du lịch quốc tế toàn cầu tăng trưởng mạnh, đạt 1,4 tỷ lượt khách, tăng 6% so với năm 2017. Cùng với đà tăng trưởng của du lịch thế giới, năm 2018, du lịch Việt Nam cũng đã tăng trưởng ấn tượng với việc đón gần 15,5 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017; phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP năm 2018 đạt 8,39%, trở thành điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Thiện đánh giá, năm 2018 là một năm tiếp tục thắng lợi của du lịch Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2019, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu phát triển cao, đặt ra sức ép lớn cho ngành du lịch vừa tăng trưởng nhanh vừa đòi hỏi phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, du lịch thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ASEAN, trong đó có Việt Nam tiếp tục là những khu vực có tốc độ phát triển cao, năng động và hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Do đó việc tạo ra các diễn đàn, các sân chơi cho các doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ quan xúc tiến du lịch, cơ quan quản lý điểm đến để tăng cường kết nối và thúc đẩy kinh doanh du lịch là hết sức cần thiết.

“Trong xu hướng du lịch ngày càng phát triển theo chiều sâu, chất lượng dịch vụ, giá trị trải nghiệm của du khách được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tôi tin rằng cộng đồng các doanh nghiệp du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng du lịch thông minh tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Cũng trong sáng 5/9, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 (International Travel Expo Ho Chi Minh City - ITE HCMC 2019) đã khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7.

Qua 15 năm tổ chức, ITE HCMC đã khẳng định được thương hiệu và là sự kiện du lịch thường niên có uy tín trong khu vực tiểu vùng sông Mekong ở cả thị trường trong và ngoài nước, thu hút hàng trăm đơn vị trưng bày cũng như khách quốc tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-phai-la-dau-tau-trong-viec-ket-noi-phat-trien-du-lich-voi-dbscl-124781.html