Trăm năm ngời sáng khí tiết người cộng sản - Kỳ 4: Sắt son với Đảng, nặng tình đồng đội

Trong số tù chính trị ở Côn Đảo trước năm 1975, có khoảng 1.000 nữ giới, phần lớn hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... bị đày ra Côn Đảo sau sự kiện Mậu Thân 1968.

Nhiều nữ tù khi đó còn rất trẻ, mới mười tám, đôi mươi nhưng đã kiên gan, bền chí trong chốn lao tù, xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Chuyện của "Tiểu Long Nữ"

Trời mưa tầm tã, chúng tôi tìm đến Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) để hỏi chuyện các cựu nữ tù Côn Đảo. Chúng tôi nhận ra bà Phùng Ngọc Anh bởi dáng người nhỏ bé của cựu nữ biệt động này. Mời chúng tôi ăn nho, bà Ngọc Anh mở đầu câu chuyện: “Tôi mới vô đây được vài tháng, cũng may có bạn tù Côn Đảo ở cùng nên cũng đỡ cô đơn”.

Biết chúng tôi đi hỏi chuyện bà Phùng Ngọc Anh, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, gợi mở: “Cô Ngọc Anh có nhiều chuyện hay lắm, các cậu cố gắng tìm hiểu thêm”.

Thấy chúng tôi hỏi chuyện về biệt danh “Tiểu Long Nữ thiện xạ”, bà Ngọc Anh vặn: “Ai nói tôi bắn súng hay? Họ xạo đó! Nhưng chuyện tôi may mắn sống sót khi bị địch mang đi thủ tiêu là có thật”. Nhìn trời mưa, bà Ngọc Anh khẽ nói: “Tôi nhớ quê nhà Gò Quao quá”. Lúc này, lắng nghe bà Ngọc Anh hồi tưởng chuyện xưa, ngoài chúng tôi còn có bà Đoàn Thị Luân (quê Hà Đông, Hà Nội), bà Trần Thị Phú (quê Chương Mỹ, Hà Nội) cũng là cựu tù Côn Đảo.

Sinh ra trong một gia đình lao động người Hoa nghèo ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), cha làm nghề nông, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ, tuổi thơ của cô bé Phùng Ngọc Anh gắn liền với những trận càn của giặc Pháp. Gia đình vốn có cảm tình với cách mạng nên năm 1964, sau 4 năm học tập ở Hồng Công (Trung Quốc), Phùng Ngọc Anh về Sài Gòn với tâm niệm đồng bào, chiến sĩ đang dốc sức chống Mỹ-ngụy thì mình cũng phải góp công sức cho cách mạng. “Với tôi, lúc đó Bác Hồ thật thiêng liêng, như mặt trời ở trong tim vậy”, bà Phùng Ngọc Anh trải lòng.

Cựu tù Hoàng Thị Khánh đẩy xe cho cựu tù Phùng Ngọc Anh khi hai bà cùng một số tử tù, cựu tù Côn Đảo ra thăm, thắp hương ở Nghĩa trang Hàng Dương, năm 2023. Ảnh: NGUYỄN Á

Được người anh ruột và cơ sở cách mạng giới thiệu, Ngọc Anh gia nhập đơn vị biệt động người Hoa (Hoa vận T4) ở Củ Chi nhưng chủ yếu hoạt động ở nội đô Sài Gòn chứ hiếm khi vô cứ, với nhiệm vụ chủ yếu vạch kế hoạch ám sát những tên tay sai ác ôn. Cuối năm 1967, Mỹ tăng cường đưa mật vụ, cố vấn Đài Loan vào những khu vực có người Hoa để nắm tình hình và điều tra cơ sở cách mạng. Ngọc Anh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ám sát tên Chung Tao, Đại tá, Đặc vụ trưởng Đài Loan.

Đóng giả làm học sinh, Ngọc Anh cùng đồng đội Thanh Hồng đi xe máy rình trước cửa nhà riêng tên Chung Tao. Lợi dụng lúc hai tên vệ sĩ sơ ý, Ngọc Anh rút súng nhằm bắn vào lưng tên Chung Tao. Hắn ngã vật trước cổng nhà, cặp tài liệu văng xa. Chiến lợi phẩm đây rồi, nghĩ là hành động, Ngọc Anh nhào tới vồ lấy cặp nhưng không ngờ Chung Tao chưa chết, thậm chí hắn còn tung một cước trúng tay cầm súng của “nữ sát thủ”. Súng cướp cò, viên đạn ghim vào đùi tên đại tá cũng là lúc hai tên vệ sĩ xông tới, quật ngã Ngọc Anh, đạp, đánh túi bụi. Năm đó, Ngọc Anh 26 tuổi. “Thấy ngon ăn nên tôi có phần chủ quan các cậu à”, bà Ngọc Anh chia sẻ cùng chúng tôi.

Bắt được “Tiểu Long Nữ”, bọn ác ôn trong Tổng nha cảnh sát tra tấn ngày đêm hòng moi thông tin. Bất lực trong việc khuất phục nữ chiến sĩ biệt động Ngọc Anh, đêm mồng Một Tết Mậu Thân 1968, địch đưa Ngọc Anh cùng Trần Văn Kiểu (cán bộ công đoàn Sài Gòn-Gia Định), Lê Thị Riêng (Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định)... lên một chiếc xe bịt bùng chạy từ Tổng nha cảnh sát ra Chợ Lớn nhằm thủ tiêu, nhưng Ngọc Anh không chết nhờ được Lê Thị Riêng đỡ đạn; còn Trần Văn Kiểu, Lê Thị Riêng hy sinh (năm 2001, Chủ tịch nước đã ký truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho liệt sĩ Lê Thị Riêng).

Mời chúng tôi ăn nho, bà Ngọc Anh hồi tưởng tiếp: “Sau đó, tòa án quân sự ngụy xử tôi án chung thân khổ sai, cuối năm 1969 bị đày ra Côn Đảo; năm 1974, tôi được trao trả tự do nhưng mắt đã mờ do bị địch rắc vôi bột trong nhà tù Côn Đảo”. Là thương binh hạng 2/4 nhưng bà Ngọc Anh vẫn minh mẫn nhớ lại chuyện xưa. Thấy chúng tôi muốn nghe về những tháng ngày bà cùng đồng đội đấu tranh trong "chuồng cọp", bà gợi ý: “Các cậu hỏi chuyện cô Luân, cô Phú đi, các cô cũng có nhiều chuyện đáng lên mặt báo lắm”.

Giữ ý chí và tinh thần mạnh mẽ

Nghe bà Ngọc Anh kể chuyện, bà Luân xúc động bảo: “Chuyện của chị nghe bao lần vẫn thấy hay dữ, nhưng các cậu không biết đâu, kiểu gì mấy hôm nữa chị em tôi lại đau đầu. Những ký ức nơi “địa ngục trần gian” nhà tù Côn Đảo dã man lắm, ám ảnh chúng tôi cả đời, đó là lý do tôi hay cười để khỏa lấp nỗi đau”.

Bà Ngọc Anh, bà Luân, bà Phú đều không có chồng con. Bà Luân bảo ra tù mình xấu xí, có mấy khi dám đứng trước gương, nhiều khi đi tắm còn không dám nhìn cơ thể bởi mỗi vết sẹo là một chuyện nhục hình. Bà Luân bị địch bắt năm 1962, cuối năm 1969, cùng với bà Ngọc Anh, bà Luân bị đày ra Côn Đảo.

Tính ra bà Luân đã ở trong Trung tâm dưỡng lão được 25 năm. Bà trải lòng: “Tôi không nhà không cửa, không chồng con, may vào đây được thành phố nuôi, được gặp lại những bạn tù năm xưa, được sống trong hòa bình đến nay đã gần 50 năm, có chết cũng nhắm mắt”. Ngồi bên cạnh, bà Phú tiếp lời đồng đội: “Cho dù không có gia đình nhưng tôi cùng đồng đội-những tử tù, cựu tù chính trị Côn Đảo luôn tự hào đã được trui rèn ở “trường học cách mạng” sau song sắt, để có được ý chí đấu tranh cũng như tinh thần mạnh mẽ cho đến nay”.

Vậy là, vào tháng 11-1969, lực lượng nữ tù ở Côn Đảo, trong đó có bà Luân, bà Ngọc Anh đã nâng số chị em chống chào cờ lên khoảng 500 người. Bị tra tấn dã man, nhiều người bị bại liệt, địch đưa hết lên giam ở "chuồng bò". Không ít tù nhân đói khát lâu ngày lết ra sân (vào giờ tắm nắng) bứt cỏ mần trầu, cỏ gấu ăn. Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ lập tức cho bọn tay chân nhổ sạch cỏ ở sân, đồng thời tuyên bố: “Cỏ này là cỏ của quốc gia. Không chịu chào cờ, không chịu thừa nhận chính phủ quốc gia thì không được ăn cỏ”.

Trò chuyện với cựu tù Côn Đảo Nguyễn Ngọc Ánh (giai đoạn 1969-1974, nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 1, TP Hồ Chí Minh) trong căn nhà nhỏ ở số 265/23/8 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được bà Ánh cho hay: “Ở Côn Đảo, nếu may mắn thì tù nhân sẽ kiếm được lá non, cỏ, đọt cây, mà chị em chúng tôi gọi chung là “rau tàn u”-tức rau tù ăn, để lấy sức”. Nghe đến đây, chúng tôi nhớ lại lời bà Ngọc Anh, bà Phú, bà Luân: “Trong tù Côn Đảo mà có cỏ ăn thì mừng lắm”. Tử tù Lê Hồng Tư cũng tâm sự rằng: “Có được cỏ ăn thì quý quá các cậu à. Anh em tù nhân tranh thủ khi có điều kiện thì kiếm cỏ, rau xanh, đọt cây về cho đồng đội ăn lấy sức, chứ quyết không ăn cơm canh thịt cá của địch”.

Nhớ chuyện "con cá, chột nưa"

Trong năm 1970, có một sự kiện nổi tiếng xảy ra ở Côn Đảo, gắn với tên tuổi của má Sáu Mù (tên thật là Nguyễn Thị Chi, quê Quảng Nam). Để hiểu thêm về má Sáu Mù, chúng tôi lại hẹn gặp bà Nguyễn Ngọc Ánh. Ngại chúng tôi đi đường xa vất vả, bà Ánh chủ động bắt xe từ Củ Chi về nội thành, bà mở đầu câu chuyện thật ấn tượng: “Mẹ (bà Hai Chửi) sinh rớt tôi ở hàng rào cạnh nhà tại Củ Chi”. 6 tuổi, cô bé Ngọc Ánh đã biết phân biệt ta, địch; năm 16 tuổi tham gia hoạt động cách mạng, là đội viên Đội võ trang tuyên truyền học sinh, sinh viên khu Sài Gòn-Gia Định. Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, bà Hai Chửi làm cơm to, cúng tổ tiên xong căn dặn con cháu trong nhà: “Tết này đánh to, đánh lớn. Nếu đứa nào bị bắt thì địch tra tấn cỡ nào cũng không được khai. Còn đứa nào chết thì đứa sống phải thờ cúng. Bữa cơm này vừa là mừng năm mới nhưng cũng coi như lễ truy điệu”.

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nổ ra, Ngọc Ánh nhận nhiệm vụ chuyển súng từ kho súng Bàn Cờ (quận 3) về Viện Hóa Đạo (quận 10). Đi cùng Ngọc Ánh là một đồng chí nam chưa từng quen biết, chỉ biết lúc đó anh nói tên Nguyễn Văn Ngót. Hai người giấu khẩu súng chưa được lắp ráp và 3 băng đạn, đựng trong giỏ xách. Khoảng 20 giờ 30 phút mồng Hai Tết Mậu Thân 1968, khi hai người vừa ra khỏi con hẻm thì gặp xe cảnh sát bao vây. Ngọc Ánh quăng giỏ đựng súng đạn vào sạp báo góc đường Lý Thái Tổ. Sau một hồi giằng co, hai người bị bắt. Từ đó, Ngọc Ánh bị địch giam cầm, tra tấn ở nhiều nơi, rồi bị đày ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris một năm, Ngọc Ánh được trao trả, rồi về học tập, công tác tại Văn phòng Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày giải phóng.

Tấm gương của má Sáu Mù thì bà Khánh, bà Ngọc Anh, bà Luân, bà Phú, bà Ánh nhớ mãi. Bà Ánh hồi tưởng: “Má Nguyễn Thị Chi bị mù cả hai mắt nên chúng tôi gọi má bằng cái tên thân thương là má Sáu Mù. Người má gầy lắm, sức yếu nhưng luôn ngời sáng tấm lòng trung kiên, bất kỳ hoạt động nào của chị em phụ nữ trong tù, má cũng tham gia. Biết má có uy tín nên bọn cai ngục ở Côn Đảo tách má ra ở phòng khác hòng chiêu dụ. Má ngửi thấy mùi cơm ngon liền cất tiếng hỏi: “26 ơi, các con ăn cơm với gì đó?”. “Dạ, phòng 26 tụi con vẫn ăn cơm với khô nục và ruồi ạ”. Thế là má Sáu Mù không ăn, cương quyết về "chuồng cọp" cũ cùng chúng tôi”. Nghe bà Ánh kể đến đây, chúng tôi lại nhớ đến bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu. Ở đây, má Sáu Mù đã giữ vững ý chí chiến đấu của mình, đồng thời giữ trọn thanh danh cho tập thể, cho tổ chức.

(còn nữa)

Ký sự của ĐÌNH HÙNG - TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/tram-nam-ngoi-sang-khi-tiet-nguoi-cong-san-ky-4-sat-son-voi-dang-nang-tinh-dong-doi-764300