Trăn trở về nhân sự ngành giáo dục

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trăn trở về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đây cũng là nỗi niềm của nhiều địa phương, trong đó có An Giang.

Có học sinh, có lớp học thì phải có đủ giáo viên

Liên quan đến lĩnh vực này, trong phiên thảo luận kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm quan tâm xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục phù hợp hơn.

“Cùng với các cấp, ngành, thời gian qua, ngành GD&ĐT cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế/năm. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và rất khó khăn cho ngành. Kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định với tinh thần “có học sinh, có lớp học thì phải có đủ giáo viên” - bà Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Theo đó, đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi định mức học sinh, giáo viên trên lớp phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền. Cần quan tâm giải pháp thực hiện xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhất là cấp học mầm non, tiểu học; hướng dẫn địa phương sắp xếp lại trường liên cấp, liên xã, thu gọn điểm trường để đưa học sinh về điểm trường trung tâm, bảo đảm chỉ số học sinh trên lớp gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước kỳ họp thứ 4 này, Sở GD&ĐT đã trình bày khó khăn về giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT không cho phép trường trung cấp, cao đẳng tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, mà phải phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển sinh vừa học trung cấp nghề, vừa học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT tại trường trung cấp. Ở An Giang, các trường trung cấp đã có đội ngũ giáo viên dạy văn hóa cấp THPT. Tuy nhiên, tại Thông báo 76/TB-VPCP, ngày 8/4/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cho phép các trường trung cấp đủ điều kiện tiếp tục tổ chức dạy văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT.

UBND tỉnh ban hành Quyết định 1586/QĐ-UBND, ngày 29/6/2022 phê duyệt đề án “Sắp xếp, phân công dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các trường trung cấp, cao đẳng”. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT chưa thống nhất, nên việc thực hiện giảng dạy văn hóa tại trường trung cấp của địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tổ chức thực hiện đề án.

ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đã nêu vấn đề này tại nghị trường Quốc hội. Qua đó, kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thống nhất, theo hướng tiếp tục cho phép tổ chức dạy văn hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có thêm cơ hội để học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay tại địa phương.

Tháo gỡ tình trạng giáo viên bỏ việc

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (trong đó phần lớn là cán bộ ngành giáo dục và y tế). Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, bởi rất khó tìm được người thay thế vì có đặc thù riêng, ảnh hưởng đến học sinh và người bệnh. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, những ngày qua, Bộ GD&ĐT nhận được hơn 200 ý kiến của cử tri gửi tới, bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng giữa việc ngành thiếu giáo viên và hiện tượng giáo viên bỏ việc, chuyển việc. Hai vấn đề này khác nhau, nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay tới năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung đến 107.000 giáo viên. Nhiều năm về trước, tình trạng này đã xuất hiện. Giáo viên không đủ một phần do bỏ việc, một phần do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu (do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết). Đồng thời, còn thiếu do tăng dân số tự nhiên. Khi bắt đầu năm học 2015, cả nước có trên 19 triệu học sinh. Nhưng đến tháng 9/2022, là 23 triệu học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 hơn 1,1 triệu người cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến tháng 9/2022, có 1,2 triệu giáo viên. Có thể thấy, số giáo viên nhiều hơn 100.000, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu em.

Tình trạng thiếu giáo viên do biến động về dân số ở một số vùng, miền (dồn về các thành phố lớn hoặc khu công nghiệp); do dịch bệnh tác động, trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục. Bên cạnh đó, số buổi học tăng từ 1 lên 2 buổi/ngày; do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh; tỷ lệ chuẩn 35 học sinh/lớp cho bậc tiểu học; 45 học sinh/lớp của bậc trung học.

Về giải pháp, vừa qua Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt, giao cho ngành GD&ĐT tổng cộng 65.000 chỉ tiêu, sẽ tuyển dần từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022, được duyệt 27.850 chỉ tiêu, sở nội vụ các tỉnh, thành phố phối hợp Sở GD&ĐT bắt đầu tuyển dụng giáo viên. Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành phố đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.

VẠN LỘC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tran-tro-ve-nhan-su-nganh-giao-duc-a346868.html