Trao cơ hội bình đẳng cho phụ nữ

Từ xây dựng sinh kế đến chăm sóc sức khỏe của bản thân, nhiều phụ nữ vùng cao đã được trao cơ hội bình đẳng trong cộng đồng...

Phụ nữ vùng cao tự tạo sinh kế cho mình từ bản sắc địa phương và là điểm tựa của cộng đồng. Ảnh: N.H

Điểm tựa kinh tế gia đình

Không cam chịu nghèo khó, thời gian qua, rất nhiều phụ nữ vùng cao rẽ hướng xây dựng các mô hình sinh kế bằng các sản phẩm đặc trưng của vùng. Nhiều người trong số họ trở thành chủ các cơ sở sản xuất, thu mua nông sản ở vùng cao...

Sau thời gian ấp ủ, cuối cùng Blúp Yến (dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, Nam Giang) cũng hình thành mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Từ một hộ khó khăn nhất xã, sau hơn 10 năm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, Blúp Yến trở thành gương điển hình của địa phương trong hành trình làm giàu.

Blúp Yến kể, cuộc đổi đời của gia đình chị bắt đầu từ câu chuyện vốn vay gần 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đó là vào năm 2009, sau thời gian ấp ủ dự định khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi chuồng trại, chị Yến đã tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế mới, và cuối cùng, heo đen - mô hình chăn nuôi lợi thế của Nam Giang được Blúp Yến chọn lựa.

Từ vài chục con, đến nay trang trại chăn nuôi của chị Yến có gần 100 con heo đen, cùng đàn bò hơn chục con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, chị Yến mở rộng trồng thêm cây keo vườn đồi, trồng rau sạch, nấu rượu… phục vụ nhu cầu người dân địa phương.

“Trước đây, cuộc sống khó khăn, làm rẫy không đủ ăn, nên nghèo đói cứ bám miết. Sau thời gian chuyển đổi mô hình kinh tế chăn nuôi, gia đình không phải lo ăn từng bữa nữa. Bây giờ có nguồn lực để đầu tư mô hình mới, chăm lo cuộc sống gia đình ngày càng no đủ hơn. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi truyền lại cho chị em khác cùng mở hướng phát triển để xóa dần nghèo đói, ổn định cuộc sống” - Blúp Yến chia sẻ.

Vượt qua những rào cản về giới và định kiến của tập tục vùng cao, nhiều phụ nữ Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… cũng đang cho thấy vai trò “đầu tàu” với cách làm ăn mới.

Điển hình như Bh’nướch Thị Blắc (ở xã Bha Lêê, Tây Giang), từ một người làm nương rẫy, nhiều năm trước đã chuyển hướng chăn nuôi heo đen, kết hợp nuôi gà và trồng cây quế, keo lá tràm.

Sau 5 năm, Bh’nướch Thị Blắc có 20ha keo, hơn 300 con heo, gà; đồng thời kết hợp mở thêm máy xay xát gạo, cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương. Từ hộ khó khăn, chị Blắc vươn lên trở thành điển hình của xã, có của ăn của để.

“Một mình làm giàu thì chưa đủ nên vợ chồng tôi nhận lao động là các chị em trong thôn chăm sóc vườn cây ăn quả, chăn nuôi heo, gà với thu nhập bình quân mỗi ngày 200 nghìn đồng/người” - Bh’nướch Thị Blắc cho biết thêm.

Chăm sóc sức khỏe toàn diện

Từ dự án “Câu chuyện chiếc quần nhỏ”, đã có hơn 400 phụ nữ huyện miền núi Nam Trà My được tiếp cận và hỗ trợ các dịch vụ thăm khám sức khỏe sinh sản (SKSS). Chị Hồ Thị Hiếu - Trưởng trạm Y tế xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) cho biết, phụ nữ ở Trà Cang gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho mình.

“Phụ nữ ở xã không có đủ điều kiện để tiếp xúc với các hoạt động hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tử cung. Đa số phụ nữ ngừa thai bằng phương pháp đặt vòng, có một số ít dùng thuốc ngừa thai. Ước tính hơn 120 lượt khám lấy vòng hoặc kiểm tra đặt vòng thì có khoảng 20 người bị viêm cổ tử cung nhiều cấp độ” - chị Hiếu chia sẻ.

Thực trạng này đã được tổ chức Nơ Xanh tại TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu và phối hợp với địa phương cũng như đội ngũ cố vấn là các y bác sĩ sản phụ khoa tổ chức tư vấn lưu động cho chị em phụ nữ xã Trà Cang. Các nhu yếu phẩm cũng như kiến thức chăm sóc sức khỏe tử cung từ cán bộ y tế đã được chị em tiếp nhận.

Trong khi đó, ở huyện miền núi Nam Giang, chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/ kế hoạch hóa gia đình đến vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao hàng năm” trở thành cơ hội để chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tư vấn, nâng cao kiến thức chăm sóc toàn diện về chăm sóc SKSS. Mỗi năm, chiến dịch được tổ chức thành 2 đợt và lần nào cũng thu hút đông đảo chị em trên địa bàn đến thăm khám, điều trị và nghe tư vấn.

Đại diện Sở Y tế cho biết, nhiều mô hình truyền thông giáo dục SKSS được triển khai tại các huyện miền núi, từ tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sân khấu hóa, các buổi họp thôn, chi hội phụ nữ…, thu hút nhiều người tham gia.

Đặc biệt, Quảng Nam là một trong những địa phương được đánh giá có mô hình “Cô đỡ thôn bản” đang hoạt động hiệu quả, đáp ứng công tác chăm sóc và tư vấn về SKSS cho phụ nữ vùng cao. Hằng năm, ngành chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã về kỹ năng thực hiện công tác y tế dự phòng, dân số cũng như đào tạo, cập nhật chuyên môn cho y tế thôn bản...

Từng ngày một, nhiều phụ nữ vùng cao đã ý thức được vị trí, vai trò của mình trong xã hội, từ đó bước qua khoảng cách về giới để tự tạo cơ hội bình đẳng cho chính mình...

ALĂNG NGƯỚC - LÊ QUÂN

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/trao-co-hoi-binh-dang-cho-phu-nu-152044.html