Trật tự bóng đá châu Á chưa bị đảo lộn

Vòng bảng của Asian Cup 2023 khép lại với trật tự cũ khi những ông lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia, Iran... vẫn tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại.

Asian Cup 2023 liên tiếp được chứng kiến những cú sốc. Malaysia và Thái Lan tạo ra cơn địa chấn khi hòa Hàn Quốc và Saudi Arabia ở lượt trận cuối vòng bảng.

Song, bóng đá là môn thể thao phức tạp và tỷ số của trận đấu đôi khi tạo ra ảo ảnh, khiến người hâm mộ bị đánh lừa. Nỗ lực của Malaysia hay Thái Lan và thậm chí Việt Nam khi đụng độ những tên tuổi là điều không thể phủ nhận, nhưng khoảng cách giữa các nền bóng đá vẫn còn rất xa.

Những ông lớn vẫn là 'ông lớn'

Ngoại trừ sự xuống dốc của tuyển Trung Quốc, các nền bóng đá mạnh như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Qatar,... tiếp tục giữ vững phong độ tại Asian Cup lần này. Những kết quả chệch choạc của Nhật Bản khi gặp Iraq hay Hàn Quốc chạm trán Malaysia không nói lên tất cả.

Muốn biết đội bóng tiến bộ hay thụt lùi, một trong những thước đo đầu tiên để đánh giá là thành tích. So với kỳ Asian Cup 2019, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia... đều giữ vững phong độ. Trên hành trình tiến vào vòng knock-out, họ có thể sẩy chân một trận, nhưng không bao giờ có chuỗi liên hoàn xuống dốc.

Các đội mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản,... vẫn duy trì sự ổn định tại Asian Cup 2023.

Ở các bảng đấu của những tên tuổi lớn, người hâm mộ dễ dàng nhận thấy rõ đẳng cấp trong lối chơi của các đội tuyển được đánh giá mạnh hơn. Nếu như không thể ghi bàn hoặc thua trận, thì đó chỉ do tính khoảnh khắc nhất thời.

Tuyển Iraq đánh bại Nhật Bản trong ngày tiền đạo Aymen Hussein bỗng bén duyên trước khung thành chưa từng thấy. Quan trọng hơn, họ chỉ vượt qua được ứng viên nặng ký cho chức vô địch của giải với cách biệt một bàn mong manh.

Những thống kê cũng không biết nói dối. Theo phân tích từ Fotmob, các đội Hàn Quốc, Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran và Australia nằm trong nhóm đầu về trung bình thời lượng kiểm soát bóng sau vòng bảng, với 64,1% trở lên. Điều này cho thấy không đối thủ nào thật sự tạo ra thế trận lấn lướt, khiến những gã khổng lồ của châu Á "không có bóng mà chơi".

Không chỉ cầm bóng nhiều, các đội Saudi Arabia, Hàn Quốc hay Australia,... cũng dứt điểm không kém. Theo thống kê từ AFC, tuyển Saudi Arabia đứng đầu ở số pha dứt điểm về khung thành đối phương, với 57 lần. Tuyển Hàn Quốc đứng thứ hai, kém 2 lần. Bất ngờ nhất là Palestine xếp ngay sau đội bóng của ngôi sao Son Heung-min, với 47 lần, nhỉnh hơn Australia (46), Iraq (45) và Nhật Bản (44 lần).

Chỉ khi áp đảo đối thủ, "có bóng mà chơi" thật nhiều thì số pha dứt điểm mới được tạo ra. Tuyển Iraq, Hàn Quốc, Palestine, Thái Lan và Nhật Bản nằm trong top 5 sở hữu cơ hội ngon ăn nhiều nhất. Các đội này cũng giành quyền vào vòng knock-out.

Thời gian đôi khi là kẻ thù tàn bạo nhất với các đội tuyển, dù họ mạnh thế nào. Tuy nhiên, những gã khổng lồ của bóng đá châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia vẫn có thể kháng cự thành công nhờ sở hữu triết lý bóng đá hiện đại cũng như dàn cầu thủ chất lượng.

Son Heung-min được xem là ngôi sao hay nhất của tuyển Hàn Quốc hiện tại. Nhưng khi vòng bảng khép lại, đồng hương Lee Kang-in mới tỏa sáng rực rỡ. Chân sút thuộc PSG ghi 3 bàn.

Tuyển Nhật Bản vắng Kaoru Mitoma, tài năng tiến bộ nhất trong hơn một năm qua, nhưng đã có Takumi Minamino hay Ayase Ueda bước lên gánh vác trách nhiệm ghi bàn. Đó còn chưa kể tới Takefusa Kubo đang ngày càng thi đấu ấn tượng.

Trong top cầu thủ ghi bàn hàng đầu tại Asian Cup 2023 tới nay, đó toàn những gương mặt đến từ các nền bóng đá mạnh. Ngay cả Aymen Hussein - người dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 5 bàn - cũng đại diện cho tuyển Iraq, đội bóng luôn nằm trong nhóm có thứ hạng cao của châu lục.

Chờ đợi gì từ Đông Nam Á?

Như kỳ Asian Cup 2019, bóng đá Đông Nam Á góp mặt hai đại diện tại vòng knock-out ở giải đấu lần này. Tuyển Indonesia của ông Shin Tae-yong có sự tiến bộ vượt bậc khi lách qua khe cửa hẹp để đi tiếp. Họ thay vị trí của Việt Nam so với giải đấu diễn ra cách đây 4 năm tại UAE.

Tuyển Thái Lan tiếp tục xứng danh đội bóng số một của khu vực. Dưới thời HLV Masatada Ishii, "Voi chiến" tạo ra thống kê khó tin sau vòng bảng, đó là bất bại và không để thủng lưới. Họ xếp thứ hai trong bảng đấu có Saudi Arabia và Oman.

Tuyển Thái Lan cầm hòa 0-0 trước Saudi Arabia ở lượt trận cuối vòng bảng Asian Cup 2023.

Khi một đội bóng không để thủng lưới, người ta sẽ nghĩ ngay đến lối chơi chỉ biết phòng ngự. Phán xét đó dành cho Thái Lan là sai lầm. Theo Fotmob, "Voi chiến" đứng thứ tư trong danh sách các đội có nhiều cơ hội ghi bàn ngon ăn nhất (9 lần) và họ cũng bỏ lỡ không kém (7 lần).

Điểm trừ lớn nhất của tuyển Thái Lan có lẽ là thời lượng kiểm soát bóng. Họ đứng thứ ba từ dưới đếm lên trong số 24 đội dự giải, với 35,3%. Tại vòng bảng, ngoại trừ chiến thắng trước Kyrgyzstan là trận đấu "Voi chiến" có tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội (55%), thì khi gặp Oman và Saudi Arabia, họ đều lép về về phương diện này.

Dù vậy, ở trận hòa 0-0 trước Oman, tuyển Thái Lan vẫn có được sự sắc nét ở các tình huống lên bóng tấn công. Họ tung ra 6 cú sút, ngang bằng với đối thủ. Diễn biến trên sân cho thấy Oman dù cầm bóng nhiều vẫn không thật sự áp đảo, át vía đại diện Đông Nam Á. Quan trọng hơn, tuyển Thái Lan hay Indonesia có được điều mình cần, đó là kết quả tốt để giúp họ tiếp tục cuộc chơi tại giải.

Đến với lượt trận thuộc vòng 1/8 của Asian Cup 2023, trong khi Thái Lan chạm trán Uzbekistan, thì Indonesia phải đón nhận thử thách mang tên Australia. Đó toàn không phải đối thủ dễ chơi. Tuy nhiên, Jose Mourinho từng nói "Tại vòng knock-out, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra".

Nếu Thái Lan hay Indonesia tiến sâu tại Asian Cup 2023, đó sẽ là điều kỳ diệu. Nhưng chỉ dựa vào kết quả của mỗi giải đấu để phán xét trình độ của họ tiến gần với Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia thực sự chưa đủ. Không cần phải có IQ của thiên tài để nhận ra điều đó.

Bóng đá Đông Nam Á vẫn còn nhiều việc phải làm!

Di Cầm

Nguồn Znews: https://znews.vn/trat-tu-bong-da-chau-a-chua-bi-dao-lon-post1457122.html