'Trên' quyết tâm, 'dưới' phải quyết liệt!

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15-8-2018, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý; phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm... Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi...

Như vậy, yêu cầu, mục tiêu, lộ trình thực hiện đã được chỉ đạo rõ ràng, vấn đề còn lại là các bộ, ngành triển khai như thế nào; thái độ tiếp cận công việc của các công chức trực tiếp thực thi các phần việc này ra sao?

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nói chung và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nói riêng, đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo quyết liệt. Từ sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những chuyển động đáng ghi nhận, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đơn cử, đầu năm nay, Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Bộ Y tế cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, giảm khoảng 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, sự chuyển động chưa đồng đều, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng công tác này; kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo và mong đợi. Nhiều bất cập, tồn tại của công tác kiểm tra chuyên ngành chưa được khắc phục triệt để. Như đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trước đó, là vẫn có tình trạng, một số phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành mang tính hình thức, gộp cơ học để giảm về số lượng nhằm đạt mục tiêu cắt giảm của Chính phủ, nhưng thực chất hàng hóa, sản phẩm vẫn phải kiểm tra chuyên ngành khi xuất, nhập khẩu. Vẫn còn hàng hóa chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ hoặc nhiều đơn vị trong một bộ, do các bộ, ngành chưa ngồi được với nhau để thống nhất đề xuất phương án xử lý, dù đã được nhắc nhở. Thậm chí, nhiều bộ, ngành có phương án rà soát, cắt giảm, công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn "treo".

Liên quan đến câu chuyện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tại hội nghị mới đây về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, một ví dụ được doanh nghiệp nêu khiến người nghe không khỏi bận tâm. Đó là một gói cà phê sữa sấy khô nhưng thủ tục hiện nay vẫn yêu cầu phải bóc vỏ ra kiểm tra trực tiếp xem có dịch bệnh hay không; đó là cứ 5 lô hàng doanh nghiệp nhập về thì 1 lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, dù lô hàng đó được chứng minh không có rủi ro, doanh nghiệp hoạt động tốt, chấp hành kiểm tra tốt..., cho thấy tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nhất.

Nhìn xa hơn, đến nay thời gian kiểm tra trung bình của Việt Nam vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước nhóm ASEAN - 4 (Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines), mặc dù các bộ, ngành "đã có nhiều cải cách về thủ tục" cho thấy, sự cải cách đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh có lúc, có nơi chưa thực chất, có tình trạng chạy theo con số mà chưa triệt để vì doanh nghiệp...

Trở lại với Chỉ thị 20/CT - TTg, Thủ tướng đã yêu cầu phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ thị, từng đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội, do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Nội hàm "xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao" khẳng định, thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, hướng tới phục vụ doanh nghiệp có đi vào thực chất hay chỉ "nửa vời, hình thức" phần lớn phụ thuộc ở quyết tâm của các bộ, ngành, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ.

Nói cách khác, dù việc gì, lúc nào, cán bộ vẫn là "gốc" của mọi vấn đề. Khi còn tư tưởng xin - cho chứ không phải phục vụ doanh nghiệp, người dân; khi vẫn còn ngại "đụng chạm", lo sợ "mất quyền lợi"... thì cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh khó đi vào thực chất, đạt mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mục tiêu, lộ trình thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh nói chung, kiểm tra chuyên ngành nói riêng đã rõ. Vấn đề còn lại là sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành và những người trực tiếp thực thi phần việc được giao để tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất. Muốn vậy, cần phải tạo cho được sự hành động mạnh mẽ với tinh thần: "Trên" quyết tâm, "dưới" phải quyết liệt!

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/908137/tren-quyet-tam-duoi-phai-quyet-liet