Trung Quốc mở cửa trở lại, nhà đầu cơ đổ xô 'ôm' những mặt hàng chiến lược, chuyên gia nói gì?

Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát phòng bệnh nghiêm ngặt kể từ đầu tháng trước đang mang lại hy vọng rằng sự phục hồi nhu cầu tại thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới này sẽ thúc đẩy giá cả hàng hóa.

Hình ảnh tại một kho kim loại ở Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 6/2021. Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát phòng bệnh nghiêm ngặt kể từ đầu tháng trước đã hỗ trợ tâm lý đối với nguyên liệu thô.

Theo đó, các nhà giao dịch đổ xô vào các hợp đồng tương lai đối với các mặt hàng chiến lược như quặng sắt và đồng vốn đang tăng giá, bất chấp triển vọng suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, thị trường cũng dấy lên tin đồn về việc nhập khẩu đậu tương hằng năm ở mức kỷ lục.

Việc Trung Quốc mở cửa với thế giới cũng được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro đáng ngại, nhất là làn sóng Covid-19 nghiêm trọng đang quét qua nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Cho rằng đó là một điểm khởi đầu không ổn định, nhưng giới phân tích nhận định, cuối cùng, sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ hơn.

Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 4,8% vào năm 2023, so với mức 3% ít ỏi của năm ngoái.

“Quý đầu tiên có thể là giai đoạn tồi tệ nhất vì các chính sách kinh tế khác nhau vẫn chưa có hiệu lực, nhưng chúng ta sẽ bắt đầu thấy sự cải thiện từ quý thứ hai trở đi”, Bloomberg nhận định.

Nhu cầu dầu và năng lượng tăng

Có một số dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy mức tiêu thụ dầu và năng lượng sẽ phục hồi nhanh chóng sau làn sóng Covid-19 hiện nay tại Trung Quốc.

Số liệu do BloombergNEF tổng hợp dựa trên thống kê của Baidu Inc. cho thấy, tình trạng tắc nghẽn giao thông trên 15 thành phố lớn tại quốc gia châu Á đã tăng trở lại gần 60% vào ngày 28/12/2022 so với một tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn 30% so với mức của tháng 1/2021.

Zhou Mi, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chaos ở Thượng Hải, dẫn số liệu của Wood Mackenzie Ltd cho biết, trong năm nay, tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch vào quý III, trong khi nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ tăng khoảng 6%.

Trong khi đó, đơn vị nghiên cứu của công ty dầu mỏ Sinopec nhận định, tiêu thụ năng lượng tổng thể - bao gồm than và khí đốt cũng như điện thô và điện tái tạo - sẽ cao hơn 2% trong năm nay so với năm 2022.

Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Energy Aspects Ltd., cho biết: “Trung Quốc đang mở cửa trở lại nhanh hơn nhiều so với chúng tôi dự kiến”, điều này có khả năng mang lại nhu cầu cao đối với dầu mỏ.

Nhà tư vấn này nhận thấy nhu cầu nhiên liệu máy bay - gắn liền với du lịch và lữ hành - sẽ đạt 90% so với mức trước đại dịch vào quý IV/2023.

Thị trường kim loại và nông nghiệp phục hồi

Sự lạc quan về phục hồi là động lực chính khiến giá quặng sắt kỳ hạn tăng 17% vào tháng trước. Tại thị trường trong nước, việc các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi trong hoạt động xây dựng đã đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn về bất động sản của Trung Quốc vẫn là một rủi ro đối với nhu cầu quặng sắt và các kim loại khác. Citigroup Inc. cho biết trong một lưu ý rằng, mặc dù giá quặng sắt đã tăng nhưng sẽ không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về nhu cầu thép nếu không có sự nới lỏng tín dụng từ chính quyền trung ương.

Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Eric Liu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và giao dịch tại ASK Resources Ltd, cho biết, các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể đã được dỡ bỏ, nhưng cũng không có nhiều điểm sáng hoặc động lực tăng trưởng.

Mặc dù vậy, Tomas Gutierrez, nhà phân tích tại Kallanish Commodities, nhận định, việc cải thiện hỗ trợ tín dụng và sự kết thúc của chính sách Zero Covid sẽ tạo tiền đề cho sự phục hồi của ngành thép từ quý hai trở đi.

Đối với các mặt hàng nông sản, hy vọng nhu cầu chi tiêu của người dân Trung Quốc cho thực phẩm và nhà hàng sẽ nhanh chóng tăng trở lại sau một thời gian giảm mạnh do dịch bệnh. Đơn vị nghiên cứu Gro Intelligence cho biết, điều này tác động “quan trọng” đối với dòng hàng nhập khẩu của đất nước.

Theo dự báo lạc quan nhất trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, nhập khẩu đậu tương của nền kinh tế số 2 thế giới có thể tăng lên mức kỷ lục hơn 100 triệu tấn trong năm nay, tăng từ khoảng 89-90 triệu tấn vào năm 2022. Trung Quốc mua gần 2/3 lượng đậu tương được giao dịch quốc tế.

Rủi ro tiềm ẩn

Tuy nhiên, vẫn còn những quan điểm trái ngược với sự lạc quan. Các cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ vừa mới hoạt động trở lại và mặc dù làn sóng Covid-19 lần này có thể đã đạt đến đỉnh điểm ở các thành phố lớn nhưng nó sẽ còn lan rộng qua các địa phương khác và khu vực nông thôn.

Điều đó sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới giảm. Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi khó khăn và dần dần”.

Bà nói: “Các quan chức có thể ưu tiên chi tiêu cho y tế và xã hội hơn cơ sở hạ tầng. Cần thời gian để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng”.

Jia Zheng, một nhà giao dịch hàng hóa tại Shanghai Dongwu Jiuying Investment Management Co. cho biết: “Mức độ mà Bắc Kinh đẩy mạnh các chính sách kinh tế hỗ trợ sẽ rất quan trọng cho nhu cầu hàng hóa. Có khả năng tiền tệ sẽ được nới lỏng trong năm nay, đồng thời nhiều gói kích thích và chi tiêu cơ sở hạ tầng hơn có thể được công bố tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3 tới”.

Trong khi đó, Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights tại Singapore, cho biết: “Mở cửa trở lại là điều tích cực nhưng đối với thị trường, thời điểm chính xác để mở cửa trở lại mới là yếu tố quyết định. Mọi thứ vẫn là dự đoán và cực kỳ khó khăn để biết rằng giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu”.

(theo Bloomberg)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-mo-cua-tro-lai-nha-dau-co-do-xo-om-nhung-mat-hang-chien-luoc-chuyen-gia-noi-gi-212414.html