Trung tâm Khuyến công tỉnh Tuyên Quang: Đóng góp cho phát triển công nghiệp tỉnh nhà

Năm 2023, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Từ đó góp phần duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Từ nguồn Khuyến công quốc gia đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến lâm sản tại tỉnh Tuyên Quang.

Với nguồn kinh phí khuyến công được giao, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể và phương án thực hiện; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức để đáp ứng các yêu cầu công việc.

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm của các đơn vị nhận hỗ trợ có những chuyển biến tích cực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trong năm, Trung tâm đã thực hiện 11 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Trong đó, 9 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn, 1 đề án thông tin tuyên truyền, 1 đề án tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến công trên địa bàn huyện Sơn Dương.

Về nguồn khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã thực hiện 4 đề án, hỗ trợ 6 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 thực hiện 4 đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; Hỗ trợ khảo sát, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho 4 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh triển khai các đề án, Trung tâm cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các Hội chợ Công nghiệp, Thương mại, các hội chợ OCOP, hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong nước…

Hợp tác xã sản xuất và thương mại Xứ Tuyên, tổ 2, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương đã đầu tư thêm thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện một số đề án còn những khó khăn như: Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã được quan tâm bố trí nhưng một số nội dung khuyến công kinh phí hỗ trợ thấp vẫn chưa đủ sức hấp dẫn đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đa số các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Trong đó, năng lực tài chính của các cở sở còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Trong tiếp cận nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ yêu cầu cơ sở phải có vốn đối ứng (tỷ lệ đối ứng nguồn kinh phí khuyến công địa phương lên đến 60%) nên nhiều cơ sở chưa mặn mà, thậm chí không có khả năng đối ứng.

Hoạt động khuyến công tỉnh Tuyên Quang là một hướng đi phù hợp để phát triển công nghiệp nông thôn địa phương. Thời gian tới, để công tác khuyến công ngày càng hiệu quả hơn, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế; thường xuyên nắm bắt, khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để đề xuất tháo gỡ.

Tin tưởng rằng, hoạt động khuyến công những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đồng hành, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/trung-tam-khuyen-cong-tinh-tuyen-quang-dong-gop-cho-phat-trien-cong-nghiep-tinh-nha-185419.html