Trước trọng trách kép của Việt Nam tại ASEAN và HĐBA LHQ, cán bộ trẻ Ngoại giao cần làm gì?

Đó là câu hỏi được đặt ra xuyên suốt buổi tọa đàm dành cho cán bộ trẻ do Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 19/7.

Ngày 19/7, Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao tổ chức buổi tọa đàm có chủ đề “Trọng trách kép của Việt Nam tại ASEAN và UNSC 2020-2021: Những yêu cầu mới đối với cán bộ trẻ Ngành Ngoại giao về kỹ năng, năng lực sáng tạo và phát huy truyền thống của Ngành."

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ trẻ - những gương mặt nắm giữ tương lai của Bộ Ngoại giao nói riêng và Ngành Ngoại giao nói chung.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia đông đảo cán bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Buổi tọa đàm là nơi để các cán bộ trẻ được tiếp nhận những kinh nghiệm quý báu, những kiến thức cần thiết trong nghề của các nhà ngoại giao kỳ cựu, cũng như là nơi để các cán bộ trẻ có thể bày tỏ những mong muốn, kỳ vọng của mình với lãnh đạo Bộ Ngoại giao để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm gồm có: Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đ/c Phạm Quang Hiệu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ , đ/c Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Đ/c Đỗ Hùng Việt, Q. Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tếvà Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Trần Khang Ninh.

Mở đầu Tọa đàm, đ/c Trần Khang Ninh, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao đã tuyên bố mục đích của Tọa đàm, nhằm tiếp nối và phát triển kết quả của Tọa đàm tháng 6/2019 về “Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ”, nhằm cung cấp thêm kiến thức và thúc đẩy nhiệt huyết của các cán bộ trẻ Ngành Ngoại giao để chuẩn bị cho trọng trách kép của Việt Nam trong năm 2020 khi vừa là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC).

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết tình hình thế giới luôn vận động, thay đổi một cách chóng mặt khiến tất cả các nước đều phải tính lại địa vị và các đối sách ứng xử của mình cho phù hợp. Bây giờ, khi Việt Nam đang nắm giữ trọng trách kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực tại HĐBA, nhiệm vụ của các cán bộ trẻ nói riêng và toàn bộ cán bộ của Bộ Ngoại giao nói chung không hề đơn giản. Công việc của Việt Nam giờ đây không chỉ là hoàn tất các công việc khi chủ trì các hội nghị, mà quan trọng nhất là phải định hướng sao cho các tổ chức này tiếp tục phát triển, dẫn dắt để các tổ chức này đem lại lợi ích cho khu vực và cho chính bản thân Việt Nam.

Ngoài ra, đến với tọa đàm lần này, Đại sứ Phạm Quang Vinh mong muốn truyền đạt lại kinh nghiệm cho các cán bộ trẻ, cũng như được nghe những nguyện vọng của họ, để tiếp tục “truyền lửa”, truyền tình yêu dành cho Ngành cho các cán bộ trẻ, để họ tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, sẵn sàng tiến lên phía trước và bảo đảm trọng trách xây dựng Ngành Ngoại giao ngày một phát triển.

Buổi tọa đàm gồm 2 chuyên đề. Chuyên đề thứ nhất có tên: “Vị thế mới của Việt Nam trong đối ngoại đa phương: Cơ hội và Thách thứ khi Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Chủ nhà ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ”, với 2 diễn giả chính là Vụ trưởng Vụ ASEAN Vũ Hồ, Quyền Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt.

Vụ trưởng Vụ ASEAN Vũ Hồ nhận định vị thế của ASEAN cũng ngày một thay đổi và ngày một tiến bộ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ với tọa đàm, đ/c Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN đã cung cấp cho các cán bộ trẻ những thông tin cơ bản cần thiết về ASEAN cũng như sự phát triển của ASEAN từ khi Việt Nam gia nhập vào năm 1995, quá trình phát triển của ASEAN trở thành một diễn đàn rộng mở, nơi tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể chia sẻ quan điểm và hành động vì lợi ích chung của khu vực. Vị thế của ASEAN cũng ngày một thay đổi và ngày một tiến bộ. Mức độ hội nhập của ASEAN ngày càng tăng.

Về phần mình, Đ/c Đỗ Hùng Việt, Q. Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tếchia sẻ khi nói tới vị thế mới của Việt Nam trong đối ngoại đa phương, có lẽ chúng ta phải nhìn lại lịch sử từ khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tầm nhìn chiến lược vô cùng rộng và dài khi Người đã viết thư cho LHQ và các nước lớn đề nghị kết nạp Việt Nam vào LHQ và bày tỏ sự sẵn sàng tham gia tất cả các cơ chế hợp tác kinh tế do LHQ dẫn dắt.

Quyền Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nói về trọng trách của Việt Nam tại HĐBA LHQ, đ/c Đỗ Hùng Việt chia sẻ nhiệm vụ trước mắt sẽ rất khó khăn và gian nan. Thế nhưng, Việt Nam đã có kinh nghiệm làm Ủy viên không thường trực LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Ngoài ra, việc xử lý các điểm nóng cũng như cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn cũng sẽ đem lại một khối lượng công việc “khổng lồ” cho các cán bộ ngoại giao Việt Nam. Tuy vậy, chính những khó khăn này sẽ là “cơ hội vàng” cho các cán bộ trẻ tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm việc để từ đó, tự phát triển bản thân, trở thành những cán bộ “nòng cốt” của Bộ Ngoại giao.

Sang chuyên đề thứ hai có tựa đề: “Những yêu cầu đối với thanh niên ngoại giao trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận trọng tách kép tại ASEAN và UNSC 2020-2021 và bối cảnh đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 theo chỉ thị 25/CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết, tương lai 2 năm tới là thời cơ vàng cho các cán bộ trẻ bởi rất hiếm khi Việt Nam phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm như sắp tới, các cán bộ sẽ được huy động nhiều vào những công việc của Bộ hơn.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhắn nhủ các cán bộ trẻ cần liên tục trau dồi tất cả các kỹ năng để đảm nhiệm trọng trách sắp tới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trọng trách đặt lên vai các cán bộ sẽ rất lớn, vậy nên Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhắn nhủ các cán bộ trẻ cần liên tục trau dồi tất cả các kỹ năng của mình, từ cũ đến mới như: kỹ năng tư duy đa chiều, phản biện, kỹ năng networking, ứng dụng truyền thông số, kỹ năng chủ trì dẫn dắt, kỹ năng thương lượng, tạo đồng thuận, thể hiện sự linh hoạt, thích ứng và xử lý khủng hoảng. Đối với Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, kỹ năng quan trọng nhất đối với các cán bộ trẻ là kỹ năng duy trì sức khỏe và tinh thần minh mẫn, để có thể đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Quang Hiệu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về phần mình, dưới góc độ Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Phạm Quang Hiệu đã chia sẻ những thuận lợi và cơ hội đối với thanh niên ngoại giao trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác và sự mong đợi của Bộ. Cụ thể, thanh niên Bộ được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ ngoại giao đi trước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng; được hưởng sự quan tâm và định hướng cụ thể của Bộ thông qua các chính sách đào tạo, bồi dưỡng trong tổng thể quy hoạch nguồn nhân lực gắn liền với sự phát triển của công tác đối ngoại; có mặt bằng năng lực tốt và được bồi dưỡng trong môi trường công tác năng động, có sự tiếp xúc với quốc tế và phối hợp với các cơ quan bên ngoài. Trước những yêu cầu mới của công tác đối ngoại, Vụ Tổ chức Cán bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ trẻ được đào tạo bồi dưỡng và cập nhật kiến thức qua thực tiễn công việc; qua các khóa bồi dưỡng có chất lượng cũng như cơ hội được đào tạo chính quy ở nước ngoài.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi, thân thiện. Các diễn giả rất nhiệt tình trả lời các câu hỏi của các cán bộ trẻ về những yêu cầu, thách thức và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng và việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển bản thân đối với cán bộ ngoại giao trẻ.

Các cán bộ trẻ rất hào hứng đưa ra những câu hỏi cho các diễn giả tham gia tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kết thúc tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh gửi lời cảm ơn tới các cán bộ đã hào hứng tham gia và đưa ra các câu hỏi rất đúng và trúng với chủ đề của tọa đàm. Đại sứ cũng hy vọng, các cán bộ trẻ đã có thêm được những kiến thức cần thiết và học hỏi được các kinh nghiệm của những người đi trước, từ đó tiếp tục giữ cho mình nhiệt huyết, say mê với công việc và nâng cao tình yêu với Ngành Ngoại giao.

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truoc-trong-trach-kep-cua-viet-nam-tai-asean-va-hdba-lhq-can-bo-tre-ngoai-giao-can-lam-gi-97871.html