'Tự chủ đại học không có nghĩa các trường phải tự bơi'

Đó là chia sẻ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi lễ khai khóa năm học mới 2019-2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM, sáng 5/10.

Sáng nay, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ khai khóa năm học 2019 với chủ đề “Tự chủ đại học - Đổi mới và sáng tạo”.

Đây là hoạt động truyền thống, được tổ chức thường niên vào đầu năm học ở ĐH Quốc gia TP.HCM. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu đã dự lễ khai khóa.

Tự chủ đại học mang lại những đặc điểm mới cho nền giáo dục

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ năm học 2019-2020 có ý nghĩa to lớn đối với ngành GD&ĐT. Ông đã chia sẻ về chủ đề “Tự chủ đại học - Đổi mới và sáng tạo”, một xu hướng tất yếu ở các quốc gia trên thế giới, cũng như ở Việt Nam hiện nay.

Phó thủ tướng nói trên thế giới, khái niệm tự chủ đại học là nói đến các mối quan hệ đang thay đổi giữa Nhà nước và trường đại học, theo hướng phát huy vai trò tự do học thuật, giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan quản lý đối với các thể chế giáo dục đại học.

Hiện nay, thế giới có 4 mô hình tự chủ đại học. Thứ nhất do Nhà nước kiểm soát hoàn toàn, thứ hai là bán tự chủ, thứ ba bán độc lập, cuối cùng là hoàn toàn độc lập. Trong mỗi mô hình, Nhà nước chiếm vai trò nhất định.

“Chúng ta phải hiểu rằng tự chủ đại học không có nghĩa các trường đại học phải 'tự bơi' hay tự túc. Nó chỉ đơn thuần là sự chủ động hơn về mọi mặt của nhà trường dưới sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tự chủ càng cao, trách nhiệm giải trình với xã hội càng lớn. Các hoạt động của trường đại học cũng vì thế mà phải công khai và minh bạch”, ông Huệ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Chinhphu.vn.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sự phát triển của giáo dục và y tế phải đi kèm trách nhiệm rất lớn từ Nhà nước.

Nhìn lại việc tự chủ đại học ở Việt Nam, từ những năm 90 của thế kỷ XX, quá trình tự chủ đại học đã được từng bước thực hiện. Đến nay, tự chủ đại học dần toàn diện hơn, trong đó có 23 trường đại học được Chính phủ cho tự chủ ở mức cao (theo Nghị quyết số 77 năm 2014).

Việt Nam đã có những bước tiến khá dài trong nền giáo dục tự chủ. Điều này được thể hiện qua tổng kết của Bộ GD&ĐT đối với 16 trường có thời gian tự chủ từ 2 năm trở lên.

Về tự chủ đại học trong nghiên cứu khoa học, trong 2 năm thực hiện, nhiều trường đại học mở thêm các ngành mới. Trong đó, ĐH Kinh tế TP.HCM là trường có nhiều ngành mới nhất với 39 ngành, ĐH Công nghiệp TP.HCM mở 25 ngành, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM mở 16 ngành.

Từ thực tế đó, ông Huệ cho rằng giáo dục đại học ở Việt Nam đã xuất hiện 2 quan điểm mới trong việc mở thêm ngành đào tạo. Thứ nhất là mở thêm các ngành nghề truyền thống. Thứ hai là chấp nhận rủi ro để mở ngành mới hoàn toàn.

Ví dụ điển hình của việc mở ngành đào tạo theo xu thế thứ hai là ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường đã mở nhiều ngành mới có 53 sinh viên. Lý do chấp nhận rủi ro của nhà trường chính là quan niệm phải tiên phong đào tạo những chuyên gia đầu tiên và giỏi nhất của đất nước.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tự chủ đại học đã mang lại những đặc điểm mới cho nền giáo dục. Điển hình là quy mô tuyển sinh giảm đi, nhiều nhất là ở ĐH Kinh tế TP.HCM. Điều này cho thấy giáo dục đại học đang ngày càng chọn lọc và chất lượng hơn. Người học có nhiều lựa chọn hơn.

Song song đó là việc số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Bình quân mỗi năm tăng thêm 500 đề tài. Hội thảo nghiên cứu khoa học cũng tăng đáng kể. Trước đây, mỗi trường chỉ có 40 hội thảo. Sau khi tự chủ, số lượng tăng lên 1.200 và phần lớn là hội thảo quốc tế.

Sinh viên phải nâng cao trách nhiệm

Bên cạnh những chia sẻ về chủ đề “Tự chủ đại học - Đổi mới và sáng tạo”, ông Vương Đình Huệ còn gửi gắm nhiều lời khuyên đến 1.000 sinh viên có mặt trong buổi lễ.

“Khi bước chân vào đại học, chúng ta sẽ gặp rất nhiều thử thách trong học tập và nghiên cứu. Mỗi lần chinh phục được thử thách ấy, bản thân các em sẽ dần lên đỉnh núi cao của thành công. Điều quan trọng ở đây chính là tầm nhìn của các em khi đứng trên đỉnh núi. Leo lên đỉnh núi không phải để cho đất nước nhìn thấy các em, mà là để các em có điều kiện nhìn thấy thế giới, quê hương và Tổ quốc mình”, Phó thủ tướng nói.

Hơn 1.000 sinh viên đến từ các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Hằng.

Năm tháng rồi sẽ trôi qua, không để lại bất kỳ dấu vết nào đối với những người không biết nhìn về tương lai bằng bộ óc thông minh và khổ luyện. Hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với những người khéo sử dụng thời gian, như con kiến tha lâu đầy tổ.

Sinh viên hãy biết tận dụng khoảng thời gian, cơ hội khi đang ngồi trên ghế nhà trường để có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gửi lời khen ngợi đối với những thành tích mà ĐH Quốc gia TP.HCM đạt được trong suốt 25 năm hình thành và phát triển.

“Chúng ta đã đạt được mục tiêu trong top 1.000 đại học thế giới, tiếp đến hãy đặt mục tiêu nằm trong top 500 trường đại học thế giới và 100 của đại học ở châu Á”, ông nói.

Cuối buổi lễ, nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi, trong đó có nỗi lo lắng tăng học phí do đại học chuyển sang tự chủ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết những trường hợp như đối tượng chính sách vẫn có nhiều chương trình học bổng. Sau 3 năm thực hiện tự chủ, quỹ học bổng của sinh viên đã tăng lên gấp 10 lần, từ đó có thể thấy nhiều cơ chế cho học phí của sinh viên.

"Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định việc mở chương trình chất lượng cao với yêu cầu giảm học phí là không hợp lý. Chất lượng cao thì phải chi trả số tiền cao hơn. Còn những sinh viên nằm trong diện chính sách, ta mới giảm học phí”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-chu-dai-hoc-khong-co-nghia-cac-truong-phai-tu-boi-post997967.html