Tự hào đất Đế vương, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng huyện Gia Viễn phát triển nhanh, bền vững

Gia Viễn-vùng đất địa linh nhân kiệt- 'Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh thánh' đã để lại những dấu ấn đặc biệt.

Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện Gia Viễn đã chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo động lực thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Tỉnh lộ 477 (đoạn qua ngã 3 Gián Khẩu). Ảnh: Trường Huy

Ngay từ thế kỷ I, Nhân dân Gia Viễn hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 4 cô gái ở Vân Lung (Gia Vân ngày nay) trở thành những nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng và được phong là tứ vị Hồng Nương.

Đến thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh-người Anh hùng kiệt xuất của quê hương Gia Viễn đã đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, xưng Hoàng Đế, mở nền chính thống quốc gia sau nghìn năm Bắc thuộc. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là sự tiếp nối quốc thống của các Vua Hùng. Đinh Bộ Lĩnh và những bậc kỳ tài đã làm rạng danh lịch sử, trở thành niềm tự hào muôn đời của người dân Gia Viễn và là điểm tựa cho hành trình đổi mới, phát triển của quê hương.

Đinh Bộ Lĩnh (sinh ngày 15 tháng 2 năm Giáp Thân 924) tại làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Vân Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn). Ông là con của Thứ sử Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền), mẹ là bà Đàm Thị. Đinh Bộ Lĩnh sớm bộc lộ tài giỏi ngay từ thuở thiếu niên, thường tổ chức tập trận, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy, lại có chí lớn, nên Đinh Bộ Lĩnh được bạn bè kính phục, được tôn làm Tù trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn).

Năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, triều đình rối ren, một số quan, tướng nổi dậy cát cứ xưng hùng, xưng bá, đất nước lạc loạn (sử cũ gọi là loạn lạc 12 sứ quân). Khi đó, Đinh Bộ Lĩnh với khí phách và tài thao lược, được Nhân dân địa phương suy tôn và ủng hộ đã nuôi ý chí dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, thiết lập triều đình. Ông đã cùng các bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú tổ chức lực lượng, rèn vũ khí và chiếm giữ vùng đất Hoa Lư. Trong khoảng thời gian từ năm 945 đến năm 950, Đinh Bộ Lĩnh đã toàn quyền làm chủ vùng đất Hoa Lư và khu vực xung quanh.

Năm 951, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh đã khá mạnh, thanh thế đã nổi khiến Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lo sợ, đem quân đến đánh nhưng không thắng phải rút về. Nhà Ngô sụp đổ, tình hình đất nước rối loạn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định tiến đánh các sứ quân. Bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo-liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn-chinh phạt, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc "nổi loạn" ở giữa thế kỷ X, thu non sông về một mối vào cuối năm 967.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, đặt triều nghi.

Năm 970, đặt niên hiệu Thái Bình; cho đúc đồng tiền đầu tiên của đất nước: Đồng Thái Bình Hưng Bảo. Đinh Tiên Hoàng trở thành vị Hoàng Đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Sự ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt năm 968, đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài, thống nhất đất nước. Đây là Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc. Công lao, đóng góp to lớn của Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dân tộc còn vang mãi muôn đời.

Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh, tuy chỉ tồn tại trong 12 năm (968-980), trải qua 2 đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp, Nhà nước Đại Cồ Việt thời nhà Đinh đã đưa lịch sử nước ta vào một bước phát triển mới chưa từng có (so với trước đó), khôi phục lại thế đứng hiên ngang cho đất nước, cho dân tộc. Từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt, bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực trước những biến động lớn đã từng xảy ra và còn tiếp diễn ở nhiều thế kỷ sau này.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn, vùng đất địa linh nhân kiệt "Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh thánh" luôn có sự gắn kết hữu cơ trong tiến trình mở mang bờ cõi, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Gia Viễn tự hào là một trong những địa phương sớm thành lập tổ chức cơ sở đảng với sự ra đời của Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại làng Lỗi Sơn (Gia Phong, vào tháng 7/1929). Đây cũng là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh Ninh Bình, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đóng góp những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xứng đáng là quê hương Anh hùng của một dân tộc Anh hùng.

Với địa thế núi non hiểm trở, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Ninh Bình, nơi tiếp giáp 3 tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, thiên nhiên đã ban tặng cho Gia Viễn những thắng cảnh non xanh thủy tú, nhưng cũng đặt con người nơi đây thường xuyên phải đối mặt, chống chọi với thiên tai khắc nghiệt khi có tới nửa năm ngập lụt, nửa năm hạn hán. Chính điều đó đã tôi luyện và hun đúc nên con người Gia Viễn vừa có những phẩm chất tốt đẹp chung của con người Việt Nam, vừa mang những sắc thái riêng, đó là tố chất anh dũng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; kiên cường khắc phục, chế ngự thiên nhiên; cần cù, năng động trong lao động, sản xuất; lối sống nhân văn, hiền hòa, thân thiện, mến khách, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng, để rồi ở những thời điểm mang tính lịch sử, người Gia Viễn luôn hiện hữu nổi trội, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình khai cơ lập nghiệp, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Gia Viễn đã đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Từ một huyện thuần nông, từng được coi là vùng "chiêm khê, mùa thối", đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, đến nay, Gia Viễn đã xây dựng được một nền tảng kinh tế-xã hội ngày càng vững chắc.

Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh và các địa phương lân cận, cùng với sự đầu tư của tỉnh, huyện Gia Viễn đã có nhiều chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực, nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tranh thủ các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đưa tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức cao và bền vững (bình quân đạt trên 25%/năm), quy mô kinh tế trên 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ (hiện chiếm 97%). Từ huyện chiêm trũng thuần nông, Gia Viễn đã trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh với khu công nghiệp Gián Khẩu, 3 cụm công nghiệp là Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân đã đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Đặc biệt, với lợi thế là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, huyện đã và đang tập trung phát triển mạnh du lịch. Nhiều mô hình với cách làm hay và đầy sáng tạo trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai đi vào hoạt động hiệu quả, như: Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính (xã Gia Sinh); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (xã Gia Vân); suối khoáng Kênh Gà (xã Gia Thịnh); điểm tham quan du lịch hang Bóng, hang Cá, động Địch Lộng (được xếp là "Nam thiên đệ tam động"- động đẹp thứ 3 trời Nam)… Những di tích lịch sử như: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng-lăng Phát tích, chùa Kỳ Lân (Gia Phương); Thung Lau, Thung Lá (Gia Hưng); đền Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến)… cũng đã và đang trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên hành trình tìm về nguồn cội và khám phá lịch sử của du khách khi đến với vùng đất "địa linh nhân kiệt"-Gia Viễn. Nhờ vậy, thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục phát triển toàn diện, tăng trưởng bình quân 9,7%/năm, gấp gần 3,8 lần so với năm 2020. Năm 2023, toàn huyện đã thu hút 1,7 triệu lượt du khách, tăng 47,8% về lượt khách và 72% về doanh thu so với năm 2022.

Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Năm 2020, huyện Gia Viễn được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 90 thôn (xóm) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 và phấn đấu quy hoạch huyện là đô thị loại IV trước năm 2030.

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt, đảm bảo an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,92% (giảm 0,4% so với năm 2022), hộ cận nghèo còn 1,81% (giảm 0,35% so với năm 2022). Quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho Nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh để thu hút đầu tư. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.

Với những thành tích đã đạt được, Gia Viễn vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, cùng nhiều Cờ thi đua và Bằng khen của các bộ, ngành và UBND tỉnh. Toàn huyện có 9 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 5 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, 208 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 317 lão thành cách mạng, 69 cán bộ tiền khởi nghĩa…

Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924-2024) là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Gia Viễn ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, tri ân công lao to lớn của bậc Tiên đế, hiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những truyền thống tốt đẹp đó, đã, đang, tiếp tục được phát huy và tỏa sáng, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn trên mảnh đất này. Với tấm lòng thành kính và tri ân sâu sắc công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế-bậc Thánh nhân sáng suốt, Anh hùng dân tộc; với tâm thế tràn đầy niềm tin, nghị lực và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Gia Viễn nguyện đoàn kết, năng động, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, quyết tâm xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững, góp phần tô thắm và làm rạng rỡ hơn truyền thống hào hùng của vùng đất "địa linh nhân kiệt", của quê hương Đinh Tiên Hoàng Đế.

Hoàng Mạnh Hùng
(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Viễn)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tu-hao-dat-de-vuong-doan-ket-sang-tao-xay-dung-huyen-gia/d20240318081220548.htm