Úc ủng hộ kêu gọi của EU tiến hành điều tra nguồn gốc COVID-19

Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bị đóng cửa ngày 11/1/2020, sau khi phát hiện các bệnh nhân nhiễm COVID-19 - Ảnh: AFP/ TTXVN

* Số ca nhiễm trên toàn thế giới đã lên hơn 4 triệu người

Ngày 10/5, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt tuyên bố chính phủ Úc ủng hộ lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của bệnh dịch gây viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc.

Phát biểu trên đài truyền hình Sky News, ông Hunt nói Úc ủng hộ đề xuất của EU, bao gồm kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19, quản lý chặt chẽ các chợ thực phẩm tươi sống, và tăng quyền thanh sát độc lập cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong vài tuần qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch, trong khi Trung Quốc vẫn không đồng ý về một cuộc điều tra như vậy.

Về tình hình kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Úc, ông Hunt nói mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới hiện nay là rất ít, ông không thể hứa đại dịch có thể bị xóa bỏ hoàn toàn trong bối cảnh nhiều người dân vẫn đang trở về từ nước ngoài. Trong ngày 9/5, Úc ghi nhận thêm 12 trường hợp nhiễm mới tại hai bang đông dân nhất nước này là New South Wales và Victoria, trong khi sáu bang và vùng lãnh thổ còn lại không có trường hợp nào. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong trên khắp Úc lần lượt là là 6.929 và 97.

Trong khi đó, số liệu tổng hợp của AFP tính đến 4 giờ 45 ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam) cho thấy toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 4.001.437 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 277.127 ca tử vong.

Theo một thống kê khác của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 sáng 10/5 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 4.100.726 ca nhiễm và 280.431 ca tử vong. Số ca hồi phục là 1.441.474 ca.

Theo thống kê, khu vực chịu tác động lớn nhất là châu Âu với 1.708.648 ca nhiễm và 155.074 ca tử vong. Số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha chỉ đứng sau Mỹ với 262.783 ca nhiễm và 26.478 ca tử vong.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa khi nước này chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt theo từng giai đoạn tới cuối tháng Sáu, với khoảng một nửa dân số 47 triệu người được phép ra ngoài tiếp xúc xã hội ở một mức độ hạn chế từ ngày 11/5, trong khi các nhà hàng được cung cấp một số dịch vụ ngoài trời.

Trong khi đó, Ý ghi nhận 218.268 ca nhiễm và 30.395 ca tử vong, Anh với 215.260 ca nhiễm và 31.587 ca tử vong, Nga với 198.676 ca nhiễm và 1.827 ca tử vong, Pháp với 176.658 ca nhiễm và 26.310 ca tử vong do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Riêng tại Pháp, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 80 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại nước này kể từ ngày 1/4. Giới chức y tế và chính quyền địa phương ở Pháp đã gia tăng lời kêu gọi "cảnh giác" tại Nouvelle-Aquitaine, một vùng được xếp vào nhóm ít nguy cơ, sau khi xuất hiện hai ổ dịch bệnh COVID-19 tại đây.

Trong khi đó xét trên các quốc gia, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với 1.305.544 ca nhiễm và 78.618 ca tử vong. Báo cáo về tình hình dịch bệnh tại Mỹ của Đại học Johns Hopkins công bố vào lúc 7 giờ 30 sáng 10/5 (theo giờ Việt Nam) cho thấy trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 1.568 ca tử vong. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 và số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này ở con số lần lượt là 78.746 ca và 1.309.164 ca.

AFP đưa tin, theo số liệu được Bộ Y tế Brazil công bố ngày 9/5, Brazil, quốc gia Mỹ Latin chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, đã ghi nhận hơn 10.000 ca tử vong do dịch bệnh. Tới nay, Brazil ghi nhận tổng cộng 155.939 ca mắc COVID-19, trong đó có 10.627 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico ngày 9/5 ghi nhận thêm 1.938 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 33.460 người, trong đó có 3.353 ca tử vong. Hiện nay, dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn đỉnh điểm tại Mexico và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tuần.

Cơ quan y tế Mexico cảnh báo, số ca bệnh và tử vong ở nước này sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, và kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng bệnh, ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và không đến những vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến chiều 9/5, Algeria và Maroc đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng cao ở mức 3 con số trong nhiều ngày qua. Theo ông Djamel Fourar, phát ngôn viên của Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch COVID-19, tính đến chiều 9/5 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận thêm 189 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia này lên thành 5.558 người, trong đó có 494 ca tử vong. Ngoài ra, có thêm 79 bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được chữa khỏi, nâng tổng số bệnh nhân được chữa khỏi lên thành 2.546 người.

Cùng ngày, Maroc cũng đã ghi nhận thêm 199 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, tuy nhiên không ghi nhận thêm ca tử vong nào, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên thành 5.910 người, trong đó có 186 ca tử vong.

Bộ Y tế Israel tối 9/5 ghi nhận thêm 2 bệnh nhân đã qua đời, nâng tổng số ca tử vong vì virus corona chủng mới SARV-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên tới 247 người. Bộ Y tế nước này cho biết, có ít nhất 4.831 trường hợp mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị, trong đó 241 người điều trị tại bệnh viện và 4.590 người được điều trị tại nhà hoặc tại các khách sạn được sử dụng làm khu cách ly cho người bệnh.

Tính đến tối 9/5, có 79 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nghiêm trọng, 64 bệnh nhân phải thở máy. Tính đến thời điểm này, 11.376 bệnh nhân đã hồi phục.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239649/uc-ung-ho-keu-goi-cua-eu-tien-hanh-dieu-tra-nguon-goc-covid-19.html