Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong thống kê hải quan

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm 4 nước hàng đầu trong ASEAN về thống kê hàng hóa xuất - nhập khẩu. Nhiều năm qua những thông tin thống kê về xuất - nhập khẩu hàng hóa do ngành Hải quan thu thập và cung cấp đã góp phần rất lớn trong việc hoạch định chính sách và phục vụ điều hành quản lý vĩ mô. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Căn cứ để xây dựng các báo cáo

Thống kê nhà nước về hải quan nói chung và thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính của ngành Hải quan. Trong nhiều năm qua, thông tin về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa do ngành Hải quan thu thập và cung cấp đã có đóng góp lớn trong việc hoạch định chính sách và phục vụ điều hành, quản lý vĩ mô nền kinh tế của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê, ngành Hải quan và các cơ quan khác của Chính phủ. Diễn biến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng nhận được nhiều mối quan tâm của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Các thông tin thống kê được Tổng cục Hải quan cập nhật rất chi tiết trên trang điện tử.

Với mục đích thông tin rộng rãi những số liệu thống kê mới nhất và cập nhật nhất, Tổng cục Hải quan đã đưa thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cập nhật theo tháng sau chu kỳ thống kê trên Trang thông tin điện tử hải quan tại chuyên mục “Thống kê Hải quan”, tại địa chỉ ww.customs.gov.vn.

Các thông tin được công bố gồm: thông tin tổng hợp kim ngạch và một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu theo hàng kỳ (15 ngày) và tháng; thông tin tổng hợp kim ngạch và một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu giữa Việt Nam và các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam theo định kỳ hàng tháng. Đồng thời trang thông tin còn có đánh giá, phân tích khái quát những nét chính về diễn biến xuất nhập khẩu trong tháng và từ đầu năm tới tháng báo cáo; các bài viết theo chủ đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đang được dư luận quan tâm; các bài viết liên quan đến thống kê hải quan và phổ biến phương pháp luận, kỹ thuật nghiệp vụ thống kê hải quan nói chung và thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng,…

Kể từ năm 1996 đến nay, thống kê xuất nhập khẩu của ngành Hải quan là một căn cứ xây dựng chính sách xuất nhập khẩu. Đặc biệt, khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Đây cũng là căn cứ để xây dựng các chính sách tài khóa tài chính tiền tệ, là dữ liệu để cộng đồng doanh nghiệp phân tích thị trường.

Công nghệ thông tin được ngành Hải quan áp dụng thời gian qua cũng chủ yếu và trước hết để phục vụ công tác thống kê. Đến nay, 100% hoạt động thống kê đã được ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà hiện nay các con số thống kê về xuất nhập khẩu hàng hóa của hải quan đã được công bố sớm hơn ba ngày so trước đây. Đồng thời, hàng ngày đều có những báo cáo nhanh gửi lên Chính phủ để phục vụ công tác điều hành.

Hướng tới phân tích chuyên đề, chuyên sâu

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Thống kê, Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, ngành Hải quan đang nghiên cứu các công nghệ đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối,… để phân tích các dữ liệu thống kê hải quan. Các dữ liệu này dung lượng rất lớn và đa dạng về mặt cấu trúc để phục vụ việc đưa ra các quyết định nghiệp vụ hải quan một cách hiệu lực, hiệu quả, cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Chính phủ.

Trong giai đoạn năm 2016 tới 2020, thống kê hải quan được đánh giá là cơ quan thống kê hàng đầu trong hệ thống các bộ, ngành. Tới đây, thống kê hải quan sẽ không chỉ gói gọn ở những thông tin định kỳ mà còn hướng tới những phân tích chuyên đề, chuyên sâu bám sát các vấn đề nóng liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh công nghệ, một điểm quan trọng sẽ được tập trung là tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng làm việc trên môi trường số, có kỹ năng khai thác, thống kê nhà nước về hải quan, kỹ năng năng lực phân tích, xử lý dữ liệu số để đẩy mạnh công tác này.

Câu chuyện về thống kê hải quan vốn tưởng chỉ là những con số khô khan, nhưng với những nỗ lực đổi mới không ngừng, những số liệu thống kê này đang ngày càng đưa đến những thông tin thú vị, sinh động về bức tranh kinh tế của đất nước và tạo hiệu quả quản lý ngày càng cao.

Dữ liệu chia sẻ từ Tổng cục Hải quan ngày càng kịp thời hơn

"Tổng cục Thống kê hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều tổng hợp công vụ báo cáo về tình hình kinh tế xã - hội. Đây là những báo cáo quan trọng giúp đánh giá các cân đối lớn, đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, phục vụ sự lãnh đạo điều hành từ trung ương tới địa phương, trong đó không thể thiếu những thống kê của cơ quan hải quan. Thời gian qua, công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu từ Tổng cục Hải quan ngày càng kịp thời hơn, nhanh hơn, với những số liệu khá chi tiết trong một hệ thống dữ liệu rất khổng lồ, giúp chúng tôi có thể kịp thời xây dựng báo cáo định kỳ" - Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ung-dung-toi-da-cong-nghe-thong-tin-trong-thong-ke-hai-quan-109899-109899.html