Vá lỗ hổng cung - cầu lao động

Liên kết cung - cầu lao động giữa TP HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL và lân cận là cần thiết nhưng hiệu quả chưa đánh giá được

Để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển nguồn nhân lực giữa TP HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL và lân cận thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế liên kết giữa các bên còn lỏng lẻo, chưa phát huy hiệu quả.

Thiếu tính gắn kết

Tại tọa đàm "Xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động liên thông giữa TP HCM với các tỉnh", tổ chức sáng 24-11, ông Dương Tấn Minh, Trưởng Phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương, nhìn nhận liên kết giữa các tỉnh còn hạn chế. Hiện chưa có sàn giao dịch việc làm (GDVL) chung cho cả nước, chỉ một số tỉnh tự liên hệ kết nối nhưng mỗi địa phương lại có quy trình khác nhau.

Người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến liên kết TP HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL ngày 24-11 .Ảnh: TUYẾT PHƯƠNG

Ông Minh đánh giá việc tổ chức sàn GDVL quy mô trong một tỉnh đang hiệu quả tốt hơn nếu liên kết với tỉnh khác. Một điểm yếu nữa là cơ sở vật chất hạn chế, bởi khi tổ chức sàn trực tuyến NLĐ đăng nhập không kết nối được hoặc chập chờn. "Để vận hành hệ thống cần có nhân sự chuyên về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do thiếu chính sách hỗ trợ nên sau một thời gian họ cũng bỏ đi, không có người quản trị nền tảng trong khi ứng dụng đã phát triển" - ông Minh nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Hậu Giang, xu thế chung từ trước tới nay là lao động các tỉnh di cư lên TP HCM làm việc. Song, hiện các tỉnh ĐBSCL đã có các KCN, nhà đầu tư tìm đến, nhất là liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Vấn đề lúc này là doanh nghiệp (DN) cần tuyển nhưng địa phương tìm không ra người. Mặt khác, đa phần người lao động (NLĐ), nhất là lao động trình độ cao vẫn muốn làm việc ở thành phố. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chưa nắm được thông tin có DN về địa phương đầu tư và đang có nhu cầu tuyển dụng.

Ông Phước cũng cho biết mỗi năm trung bình Trung tâm DVVL tỉnh Hậu Giang tiếp nhận hơn 10.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Trong số này, có nhiều lao động trở về từ TP HCM. Sau khi giải quyết xong thủ tục nhận TCTN, họ tiếp tục quay lại thành phố hoặc làm việc tự do. "Trong việc kết nối cung - cầu lao động giữa TP HCM với các tỉnh ĐBSCL, chúng ta mới chỉ làm được việc cung cấp thông tin, còn cách thức thực hiện, kết quả chưa đánh giá được" - ông Phước nhận xét.

Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin

Để tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa TP HCM và các tỉnh khu vực ĐBSCL và lân cận, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm DVVL TP HCM, cho biết dự kiến từ nay tới năm 2026, mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất 1 sàn GDVL trực tiếp liên kết vùng, do TP HCM đăng cai tổ chức. Thành phố cũng làm việc với các tỉnh để đề xuất Cục Việc làm xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động dùng chung cho cả nước.

Bà Thục còn chỉ ra tình trạng nhiều NLĐ trong thời gian hưởng TCTN thường chưa muốn tìm việc làm ngay. Do đó, thời gian tới, trung tâm sẽ thay đổi hướng tiếp cận, chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm với những lao động ở những tháng cuối nhận TCTN. "Các DN sản xuất đang có khuynh hướng di dời khỏi TP HCM về các tỉnh. Điều này sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động lớn. Vậy nên, việc trao đổi giữa các địa phương càng cần được đẩy mạnh" - bà Thục nhấn mạnh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, TP HCM liên tục phối hợp với các tỉnh khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ tổ chức sàn GDVL trực tuyến. Nhưng có thực tế một số địa phương không có DN và lao động tham dự. Phân tích sâu về câu chuyện này, đại diện Trung tâm DVVL TP Cần Thơ cho rằng để có thể hợp tác thành công, các trung tâm DVVL cần xây dựng kế hoạch mời gọi DN đăng ký tham gia từ sớm.

Ngoài ra, phải có bước chuẩn bị nguồn ứng viên, huy động NLĐ tham gia, triển khai công tác rà soát nguồn và nhu cầu tuyển dụng các vị trí cần tuyển. Hơn nữa, phải tổ chức hướng dẫn cho NLĐ và DN cách tải, cài đặt và sử dụng phần mềm phỏng vấn trực tuyến. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả kết nối việc làm.

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, phụ trách Phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm, Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai, đề xuất cần nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, định hướng tư vấn đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, đào tạo gắn liền với việc làm, khuyến khích NLĐ đăng ký học nghề để có nhiều cơ hội lựa chọn hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động. "Chủ động khai thác, chia sẻ vị trí cần tuyển từ các nhóm nhân sự trên mạng xã hội, fanpage, website của những DN trên địa bàn. Tiếp nhận thông tin đăng ký tìm việc, tuyển dụng qua mã QR là một số cách chúng tôi đang thực hiện khá tốt" - bà Trang cho biết.

Lương cao vẫn không tuyển được người

Đại diện Công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam băn khoăn dù thường xuyên góp mặt tại các sàn GDVL, chủ động liên hệ với NLĐ trong danh sách nhận TCTN hằng tuần, nhưng DN gần như không tuyển được người nào. Câu trả lời phổ biến của ứng viên khi được hỏi là họ chỉ tới sàn GDVL để làm thủ tục hưởng TCTN, chứ chưa có nhu cầu tìm việc. Trong khi, DN tuyển vị trí nhân viên toàn thời gian, mức lương từ 11 - 26 triệu đồng/tháng.

MÂY TRINH - TUYẾT PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/va-lo-hong-cung-cau-lao-dong-2023112419472149.htm