Vai trò và tác động của các hiệp hội nhà ở tại Vương quốc Anh

Vấn đề về khả năng chi trả và tiếp cận nhà ở là một trong những quan tâm cấp bách ở Vương quốc Anh. Trước đây, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhà ở xã hội, bối cảnh này đã thay đổi trong những năm qua. Đến nay, các hiệp hội nhà ở đóng vai trò nổi bật trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ, phục vụ cho các thành phần xã hội đa dạng và giải quyết các nhu cầu nhà ở khác nhau.

Hiệp hội nhà ở là gì?

Các hiệp hội nhà ở, về cơ bản là các tổ chức phi lợi nhuận, đóng vai trò là nhà cung cấp chính về nhà ở xã hội trên khắp xứ sở sương mù. Theo ADB, không giống như chính quyền địa phương, các hiệp hội này là các tổ chức tư nhân. Tuy nhiên, do tính chất công việc, họ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, bao gồm cả trợ cấp trực tiếp. Một số hiệp hội nhà ở cung cấp các loại nhà ở xã hội, trong khi những hiệp hội khác chuyên cung cấp nhà ở cho một số phân khúc dân số nhất định, chẳng hạn như những người bị lạm dụng, ngược đãi, người vô gia cư và người xin tị nạn. Lịch sử ra đời của các hiệp hội nhà ở có từ thế kỷ XIX, trong đó nhiều tổ chức đáng chú ý như Guinness Trust và Peabody Trust vẫn hoạt động cho đến nay.

Trước đây, vai trò của các hiệp hội nhà ở chưa lớn như bây giờ, vì lúc đó chính quyền địa phương mới là nhà cung cấp và quản lý chính nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tầm quan trọng của các hiệp hội này đã tăng lên đáng kể sau sự kiện được gọi là cuộc "chuyển giao tự nguyện quy mô lớn" năm 1988. Việc chuyển giao đó, vốn được coi là thành phần cốt lõi trong chiến lược của Chính phủ đảng Bảo thủ khi ấy, nhằm giảm sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc cung cấp nhà ở xã hội và chuyển giao cho các hiệp hội nhà ở. Chính quyền địa phương không được sử dụng thuế địa phương để trợ cấp nhà ở xã hội, đồng thời ngân sách xây dựng nhà ở xã hội mới từ chính quyền địa phương cũng được chuyển sang các hiệp hội nhà ở. Dần dần, các hiệp hội nhà ở đã trở thành nhà cung cấp chính nhà ở xã hội xây dựng mới.

Nguồn: housingdigital.co.uk

Về mặt pháp lý, các hiệp hội nhà ở có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các hiệp hội công nghiệp và dự phòng, quỹ tín thác, hợp tác xã và công ty. Một vài trong số này là các tổ chức từ thiện đã đăng ký, trong khi một số khác thì không. Họ còn được gọi là “chủ nhà xã hội đã đăng ký” hoặc “nhà cung cấp nhà ở xã hội tư nhân đã đăng ký”. Các hiệp hội nhà ở có nhân viên được trả lương, nhưng quyền ra quyết định cuối cùng thuộc về ủy ban, nơi các thành viên chủ yếu bao gồm các tình nguyện viên không được trả lương. Các thành viên trong ủy ban bao gồm đại diện từ các bên liên quan, bao gồm: người dân, đại diện chính quyền địa phương, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các chính trị gia địa phương.

Hiệp hội nhà ở cung cấp nhà phù hợp với nhiều nhu cầu

Các hiệp hội nhà ở cung cấp nhiều lựa chọn nhà ở với giá cả phải chăng phù hợp với các nhu cầu khác nhau:

Thuê nhà xã hội: đây có lẽ là hình thức nhà ở dễ nhận biết nhất do các hiệp hội cung cấp. Tương tự như tiền thuê nhà ở hội đồng, tiền thuê nhà xã hội được bảo đảm ổn định, giá cả phải chăng. Người thuê nhà đủ điều kiện thường được đề nghị thuê nhà từ 12 tháng. Sau khi hết thời hạn này, người thuê nhà sẽ được đề nghị thuê nhà có bảo đảm (thuê nhà trọn đời) hoặc thuê nhà có thời hạn cố định, thường dài hơn 5 năm.

Quyền mua: từ năm 1996, những người thuê nhà của hiệp hội nhà ở đã có cơ hội mua được nhà với mức giá chiết khấu sau một thời gian thuê nhất định, vượt quá 12 tháng. Vào năm 2015, chương trình quyền mua nhà đã được mở rộng và các điều kiện của nó trở nên tương tự như chương trình quyền mua nhà của người thuê nhà ở hội đồng thành phố. Khoản lỗ do chiết khấu gây ra được Chính phủ hỗ trợ cho hiệp hội nhà ở. Với mỗi lần bán nhà theo chương trình này, hiệp hội nhà ở phải bảo đảm có được một căn hộ mới thay thế, nhưng hình thức sở hữu của căn hộ mới là do hiệp hội quyết định. Ngược lại, hiệp hội nhà ở có thể chọn không bán nhà, nhưng chỉ được phép trong những trường hợp đặc biệt như nhà ở khu vực nông thôn hoặc nhà dành cho người thuê có nhu cầu đặc biệt. Trong trường hợp này, hiệp hội nhà ở phải cung cấp cho người thuê một tài sản thay thế.

Giá thuê phải chăng: với mức bằng 80% giá thuê trên thị trường, nhà cho thuê giá phải chăng phục vụ những người không đủ điều kiện nhận tiền thuê nhà xã hội, nhưng vẫn cần các lựa chọn nhà ở giá phải chăng. Khi Cơ quan Nhà ở và cộng đồng chấp nhận đề xuất của hiệp hội nhà ở về việc sử dụng thu nhập từ tiền thuê nhà với giá phải chăng, các hiệp hội nhà ở được phép chuyển đổi các đơn vị nhà ở xã hội hiện đang bỏ trống thành đơn vị cho thuê giá cả phải chăng. Những ngôi nhà cho thuê giá cả phải chăng có thể được chuyển đổi thành quyền sở hữu chung nếu các hiệp hội nhà ở và người thuê nhà đồng ý.

Chương trình cho thuê nhà ở London (London Living Rent): Chương trình này đặc biệt nhắm đến các hộ gia đình có thu nhập trung bình ở thủ đô London, giúp họ tiết kiệm tiền thuê nhà để có thể mua nhà sau này theo quyền sở hữu chung. Để giúp họ, giá thuê nhà được ấn định thấp hơn khoảng 30% so với giá thuê thị trường. Thời hạn thuê nhà kéo dài từ 3 đến 10 năm, sau đó người thuê nhà được nhận định là đã tiết kiệm đủ để thực hiện khoản thanh toán ban đầu cho quyền sở hữu cổ phần. Đây là mục tiêu thực tế vì khoản thanh toán ban đầu hiện nay là 10% giá trị tài sản. Chương trình này không dành cho các hộ gia đình ở khung thu nhập thấp nhất. Các hộ gia đình có thu nhập cao hơn đáng kể so với thu nhập hộ gia đình trung bình cũng có thể coi là đủ điều kiện miễn là họ hiện đang thuê nhà ở London và không có đủ tài sản để mua nhà ở địa phương của họ.

Quyền sở hữu chung: mô hình này cho phép cư dân sở hữu một phần, thuê một phần căn nhà của họ, giúp những người có thu nhập thấp có thể dễ dàng sở hữu nhà hơn.

Tài sản sở hữu chung là tài sản trong đó người cư trú chỉ sở hữu một phần trong tổng giá trị tài sản - giống như một cổ đông sở hữu một phần trong tổng giá trị của một công ty. Vì người thuê nhà không cần phải trả toàn bộ giá trị tài sản nên quyền sở hữu chung là con đường dễ dàng hơn để sở hữu nhà. Tuy nhiên, do đó vẫn là quyền sở hữu nên những người không có thu nhập ổn định không thể mua được. Bất kỳ hộ gia đình nào không sở hữu nhà và có thu nhập hàng năm dưới 90.000 bảng Anh ở London và 80.000 bảng Anh ở phần còn lại của nước Anh đều có quyền mua tài sản sở hữu chung.

Nhà ở được hỗ trợ: các hiệp hội nhà ở cũng cung cấp các lựa chọn nhà ở chuyên biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người già, người khuyết tật, cá nhân đang hồi phục sau lạm dụng chất gây nghiện, người trẻ hoặc người vô gia cư đang tìm kiếm đào tạo nghề và phát triển kỹ năng.

Linh Anh (Theo adb.org)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/vai-tro-va-tac-dong-cua-cac-hiep-hoi-nha-o-tai-vuong-quoc-anh-i370475/