Văn học thiếu nhi, mảnh đất bị lãng quên

'Văn học thiếu nhi là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó', nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

LTS: Hè đến, nhu cầu thưởng thức văn học - nghệ thuật của trẻ em tăng mạnh nhưng mảng sách thiếu nhi vẫn còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Làm thế nào để khơi dậy cảm hứng sáng tác ra các tác phẩm hay cho độc giả nhỏ tuổi là câu hỏi trăn trở của nhiều cây bút. VietNamNet xin giới thiệu loạt bài viết chia sẻ ý kiến của những nhà văn, chuyên gia giáo dục tâm huyết với văn học thiếu nhi.

Văn học cho thiếu nhi là bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Nhiều chuyên gia khuyến khích phụ huynh hướng các bạn nhỏ đọc sách văn học.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, tác phẩm dành cho thiếu nhi chiếm khoảng 13% tổng số sách được xuất bản. Tỷ lệ này cao hơn một số thể loại: Chính trị, pháp luật; Khoa học công nghệ, kinh tế; Văn học... Trong khi đó, theo thông tin từ Đường sách TP.HCM năm 2022, doanh thu sách thiếu nhi đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 236% so với năm 2021.

Thực tế hiện nay, sách văn học dành cho thiếu nhi thưa vắng tác giả mới, chưa có nhiều tác phẩm hay chạm tới tâm hồn các bạn nhỏ. Ngoài ra, trong hệ thống phát hành, số sách dịch cho trẻ em đang dần thống trị tại thị trường Việt Nam.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, sách thiếu nhi chiếm khoảng 13% tổng số sách được xuất bản.

Chia sẻ với VietNamNet, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, việc tồn tại thực trạng này là bởi chất lượng tác phẩm trong nước chưa cuốn hút và hấp dẫn trẻ em.

Một thời, các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là những người viết cho thiếu nhi như Thạch Lam, Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ (từng là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam), Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa… đã tạo ra một thế giới trong sáng, nhân ái và tràn ngập giấc mơ tươi đẹp, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ.

Những người vẫn bền bỉ sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi có thể kể đến là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Kim Hài, nhà thơ Trần Quốc Toàn… Hay vài tác giả có sách bán tốt như Lê Quang Trạng (Cá linh đi học), Phát Dương (100 cửa sổ), Nguyễn Chí Ngoan (Rồi nắng cũng lẻ loi), Nguyên Hương (Những chuyến tàu đi)... Các tác giả “nhí” như: Cao Khải An, Cao Việt Quỳnh, Hạnh Phương... cũng góp mảng màu tươi sáng cho bức tranh về văn học thiếu nhi hiện tại.

Dù vậy, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, nếu so sánh với nhu cầu độc giả thì lượng người viết cho các em còn rất ít.

“Chúng ta chưa kết nối được các tác giả viết cho thiếu nhi với nhau, chưa quan tâm tới dòng văn học này, chỉ coi nó là bên lề của văn học dành cho người lớn”, Tiến sĩ Thụy Anh nêu thực trạng.

Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá đồng tình, trong bối cảnh hiện nay, môi trường giáo dục văn chương cho trẻ em cũng đang có nhiều thiếu sót, đi chệch hướng.

"Tôi và vợ đều làm về giáo dục, quan sát thấy một thực trạng rất buồn, đó là việc dạy văn trong nhà trường đang bị chạy theo khuôn mẫu, ít quan tâm đến cảm xúc, tình thương với con người, thiên nhiên. Đa phần học sinh làm văn chỉ chạy theo các gạch đầu dòng, giáo viên cũng chấm bài theo ý mà bỏ quên cảm xúc. Đó là một cách giết chết tâm hồn con trẻ", PGS.TS Ngô Văn Giá bày tỏ.

Ông nhận định, xã hội ngày nay chỉ chăm chú chạy theo chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ mà quên mất rằng, chỉ số cảm xúc (EQ) cũng vô cùng quan trọng.

"Sự thông minh quan trọng, tôi không phủ nhận. Nhưng sẽ thế nào khi những đứa trẻ thiếu đi lòng thương xót với con người, sự yêu thương đối với tạo vật. Tôi nghĩ rằng người cầm bút, nhà văn phải quan tâm đến chuyện này", PGS.TS Ngô Văn Giá thẳng thắn nói.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lo ngại, khi ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều thì mặc dù vẫn có những nét đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng nó rời xa vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…

“Văn học thiếu nhi là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Nhưng “đánh thức” bằng cách nào? Viết cho thiếu nhi từ chất liệu gì khi hiện tại, ChatGPT, AI phát triển mạnh mẽ? Tại sao văn học thiếu nhi trong nước lại thiếu sức cạnh tranh so với văn học thiếu nhi nước ngoài? Là do hạn chế về năng lực viết hay thiếu đề tài cũng như sự sáng tạo? Đây là loạt câu hỏi cần được giải đáp.

Bài 2: Chất liệu gì cho văn học thiếu nhi khi ChatGPT, AI phát triển?

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/van-hoc-thieu-nhi-manh-dat-bi-lang-quen-2152288.html