Vì sao chứng khoán Mỹ có tuần lao dốc mạnh nhất từ tháng 3/2023?

Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ hoang mang khi dự báo biến động tăng dần và làn sóng chốt lời dâng cao.

Khép phiên ngày 4/8, chỉ số S&P 500 sụt 0,53% xuống 4.478,03 điểm. Ảnh: CNBC

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm đến 4 phiên liên tiếp trong ngày 4/8 và chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 4 tháng qua. Nhiều nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đẩy mạnh chốt lời sau khi hàng loạt doanh nghiệp Mỹ công bố kết quả kinh doanh và số lượng việc làm tại Mỹ được công bố.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 sụt 0,53% xuống 4.478,03 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,36% về còn 13.909,24 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 150,27 điểm (tương đương 0,43%) xuống còn 35.065,62 điểm.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cũng đảo chiều ở cuối phiên chiều sau khi khởi sắc vào phiên sáng và chốt tuần trong trạng thái giảm điểm. Tính chung trong tuần, Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt hạ 2,9% và 2,3% và có tuần giảm mạnh nhất tính từ tháng 3/2023. Chỉ số Dow Jones cũng sụt 1,1%.

Ông Steve Sosnick - trưởng bộ phận chiến lược tại quỹ Interactive Brokers, nhận định: “Trong tuần này, nhà đầu tư dường như thận trọng với rủi ro hơn so với trước đây. Có quá nhiều yếu tố tiêu cực đã hình thành, dấu hiệu cho thấy thị trường sắp kết thúc một chu kỳ giá lên, chứ không phải bắt đầu”.

Trong ngày 4/8, chỉ số đo biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ (VIX) tăng lên trên ngưỡng 16 điểm, cho thấy các nhà đầu tư đang tăng cường biện pháp phòng vệ trước biến động thị trường.

Ngày thứ Sáu đánh dấu cho phiên cuối cùng trong tuần giao dịch đầy bận rộn của mùa công bố kết quả lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2023.

Cổ phiếu Amazon tăng 8,3% lên ngưỡng cao nhất trong gần 1 năm sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt vượt kỳ vọng và dự báo lợi nhuận tích cực. Cổ phiếu Apple lao dốc 4,8% sau khi công bố doanh thu thấp hơn so với kỳ vọng.

Cổ phiếu Apple sụt 4,8% sau khi công bố doanh thu thấp hơn so với kỳ vọng. Ảnh: AP

Ngành du lịch và dịch vụ đã có sự bùng nổ khi cổ phiếu Booking Holdings tăng 7,9% nhờ kết quả tốt hơn mong đợi. Cổ phiếu Amagen tăng 5,5% bởi kết quả kinh doanh tốt vượt kỳ vọng và dự báo lợi nhuận khả quan.

Kết quả kinh doanh quý II đã tiếp tục gây bất ngờ cho các nhà phân tích Phố Wall khi lợi nhuận không giảm như dự báo. Khoảng 84% công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo, với 80% vượt kỳ vọng của Phố Wall, theo FactSet.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng xuống còn 4,04%.

Nhà đầu tư cũng đón nhận thêm thông tin về tình trạng của thị trường lao động Mỹ. Bộ Lao động Mỹ công bố ước tính nước Mỹ có thêm 187.000 người được tuyển dụng trong tháng 7, thấp hơn khá nhiều so với dự báo 200.000 việc làm từ các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp đồng thời giảm xuống ngưỡng 3,5% từ mức 3,6% trước đó.

Tuy nhiên, tiền lương trung bình theo giờ lại vượt qua kỳ vọng, tăng lần lượt 0,4% so với tháng trước và 4,4% so với cùng kỳ. Con số này vượt qua ước tính lần lượt là 0,3% và 4,2%.

Thị trường đã chờ đợi báo cáo việc làm và những tác động của dữ liệu này đối với chu kỳ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Khoảng 88% nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Trong tuần tới, vào ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố một dữ liệu quan trọng khác là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2023.

Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 sẽ có thể tác động nhiều hơn đến các kỳ vọng lãi suất, theo nhận định của chuyên gia phân tích Christopher Harvey tại ngân hàng Wells Fargo.

“Nếu số liệu lạm phát cao hơn kỳ vọng, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên, số liệu việc làm mới nhất đã củng cố quan điểm cho rằng Fed đã hoàn tất quá trình điều chỉnh chính sách” - ông Harvey lưu ý với nhà đầu tư Phố Wall.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-chung-khoan-my-co-tuan-lao-doc-manh-nhat-tu-thang-3-2023.html