Vì sao doanh nghiệp Việt khó 'kết hôn' với FDI?

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa cung ứng được sản phẩm theo yêu cầu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), do đó chưa tạo ra cuộc 'hôn nhân' thật sự để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - tại Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022: Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TPHCM diễn ra ngày 15/9, tại TPHCM .

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Theo ông Lộc, DN Việt Nam rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI do không cung ứng được các nguyên liệu vật tư, phụ tùng cần thiết. DN FDI rất khó tìm được các nhà cung ứng ở Việt Nam, do các nhà cung ứng của Việt Nam không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết và những công nghệ cần thiết để có thể trở thành nhà cung ứng cho DN FDI. Hiện tại, phần lớn các nguyên liệu, vật tư vẫn phải nhập từ nước ngoài.

“Người ta nói nhiều đến nền kinh tế 2 tốc độ, ở Việt Nam chính là tốc độ của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, hai tốc độ này không bắt nhịp được với nhau và chúng ta chưa thực sự có được một cuộc “kết hôn” giữa các DN trong nước với DN FDI để cùng tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nhận định làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam, tuy nhiên ông Leif Schneider - Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) - nhấn mạnh, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép (hoặc phê duyệt M&A).

“Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, đây là điểm thuận lợi. Nhưng với trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc” - ông Leif Schneider nhìn nhận.

Sản xuất ống thép luồn dây điện để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, dù có nhiều thuận lợi, song TPHCM đang đối mặt với một số khó khăn lớn, làm chậm tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố như sức ép lạm phát từ việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới (xăng dầu, than, giá cước vận chuyển…); hệ thống cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ sản xuất công nghiệp không còn nhiều…

Trong năm 2021, FDI đăng ký đạt hơn 30 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2020 và FDI thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020.

Tính đến tháng 8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 17 tỷ USD, đạt hơn 87% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt là gần 51% và 3,6%.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước tính đạt gần 13 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế đến ngày 20/8 vừa qua, cả nước có hơn 35.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 400 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-doanh-nghiep-viet-kho-ket-hon-voi-fdi-post1469905.tpo