Vì sao USD ngày càng đắt đỏ?

Đồng USD mạnh lên trong khi các loại ngoại tệ khác như yên Nhật, bảng Anh, euro đều giảm mạnh.

Chỉ số đồng USD (USD-Index) – vốn được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với sáu loại ngoại tệ chính (gồm euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ) đã tăng gần 12% từ đầu năm tới nay lên mức cao nhất trong hai thập kỷ.

Trong phiên giao dịch hôm 11/7, có thời điểm mỗi USD đổi được 137,28 yen - mức cao nhất kể từ năm 1998.

Chiều 12/7, 1 euro đổi được 1 USD, lần đầu tiên kể từ năm 2002. Giới quan sát đang theo dõi liệu euro có tiếp tục xuống so với USD hay không. Lần cuối cùng euro có giá thấp hơn 1 USD là vào tháng 11/2002. Khi đó, mỗi euro đổi được 0,99 USD.

USD ngày càng trở nên đắt đỏ. (Ảnh: BS)

Bảng Anh hôm 11/7 có lúc mất 0,38% so với USD, còn 1 bảng đổi 1,19 USD.

"Đồng đôla Mỹ đang mạnh lên, nhưng tỷ giá USD-yen ghi nhận mức biến động mạnh nhất", Rodrigo Catril – chiến lược gia tiền tệ tại National Australia Bank đánh giá.

Ông này cho biết việc nhà đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro khiến USD hưởng lợi. Trong khi đó, ở Nhật Bản, đồng yên sẽ chịu nhiều sức ép khi kết quả bầu cử cuối tuần trước cho thấy khó có thay đổi nào đối với chính sách kinh tế của quốc gia này.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này cộng với việc Mỹ tăng lãi suất là các nguyên nhân chính khiến đồng tiền Nhật Bản trở nên yếu đi.

Hôm 11/7, Thống đốc NHTW Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda cảnh báo về “sự không chắc chắn rất cao” đối với triển vọng kinh tế của nước này, đồng thời nhấn mạnh BOJ sẵn sàng tăng cường kích thích khi cần thiết để củng cố sự phục hồi mong manh của nền kinh tế.

Các nhận xét này củng cố kỳ vọng của thị trường rằng BOJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bất chấp làn sóng tăng lãi suất của các NHTW trên toàn cầu để chống lại lạm phát.

Theo Reuters, các lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất tìm cách kiềm chế lạm phát đã đẩy dòng tiền chuyển hướng sang tài sản trú ẩn.

"Đồng USD có thể còn sẽ tiếp tục đắt đỏ cho đến khi rủi ro liên quan tới lạm phát toàn cầu, an ninh năng lượng châu Âu và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc được giải quyết", các nhà phân tích tại Barclays cho hay.

Lo ngại về năng lượng đồng nghĩa đồng euro tiếp tục gặp không ít khó khăn.

Cách đây vài ngày, Nga thông báo bảo trì Nord Stream 1 - đường ống lớn nhất đưa khí đốt Nga đến Đức. Hoạt động thường niên này khiến dòng khí đốt dự kiến ngừng chảy trong 10 ngày. Nhưng các chính phủ, thị trường và doanh nghiệp lo ngại việc ngừng hoạt động có thể bị kéo dài do xung đột Ukraine.

Một sự kiện đáng chu ý khác trong tuần này Trung Quốc sẽ công bố GDP quý II. Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao để đánh giá thiệt hại của đợt phong tỏa với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Anh cũng công bố GDP quý II trong tuần này, nhưng sự chú ý đang đổ dồn vào người sẽ thay thế Thủ tướng Boris Johnson lãnh đạo quốc gia này.

Song Hy(Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-usd-ngay-cang-dat-do-ar687869.html