Vì sao xe tăng phương Tây rất lâu mới được dùng ở tiền tuyến Ukraine?

Giới phân tích lí giải nguyên nhân khiến các xe tăng chiến đấu do phương Tây viện trợ cho Ukraine phải mất nhiều tháng mới được sử dụng ở các khu vực tiền tuyến nước này.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles thông báo, 6 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 đã rời nước này và dự kiến sẽ được chuyển tới Ukraine trong vòng chưa đầy một tuần nữa.

Các binh sĩ Ukraine học lái xe tăng Leopard 2 tại trung tâm huấn luyện của quân đội Tây Ban Nha ở Zaragoza. Ảnh: CNN

Trong khi, Mỹ cho biết sẽ bắt đầu huấn luyện các lực lượng Kiev sử dụng xe tăng Abrams do nước này sản xuất vào tháng tới, với mục tiêu sẽ cung cấp loại khí tài này cho Ukraine chống lại quân Nga trước khi mùa hè kết thúc.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cảnh báo, ngay cả khi việc vận chuyển xe tăng và quá trình huấn luyện đang diễn ra, những phương tiện chiến đấu do các nước đồng minh NATO gửi tặng Kiev sẽ không có tác động ngay lập tức đến tình hình chiến sự Nga - Ukraine vì một số lí do.

Trước hết, xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại là những loại khí tài phức tạp. Theo CNN, dù sở hữu vẻ ngoài đáng sợ nhưng phần lớn hiệu quả của xe tăng trên chiến trường là nhờ hệ thống máy tính và điện tử tinh vi ở trong lõi. Những hệ thống này phát hiện các mục tiêu và chĩa nòng súng chính của xe tăng vào chúng.

Việc vận hành, sửa chữa và cung cấp các bộ phận cần thiết cho xe tăng đòi hỏi quá trình đào tạo chi tiết từ kíp lái trên xe đến các khâu hậu cần hỗ trợ cách khu vực tiền tuyến ở miền đông Ukraine hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số.

“Tôi có thể nói rằng, khả năng huấn luyện binh sĩ Ukraine hỗ trợ bất kỳ loại xe tăng nào được chuyển giao cho họ, gần như quan trọng hơn loại xe tăng họ sử dụng”, cựu sĩ quan quân đội Anh Nicholas Drummond, một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng chuyên về xung đột trên bộ, nhấn mạnh.

Các chuyên gia lưu ý thêm, ngoài thời gian cần thiết để đào tạo binh sĩ điều khiển xe tăng, những khí tài này cần được bảo dưỡng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải quản lý chuỗi cung ứng. Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nêu ví dụ, vì Abrams là xe tăng do Mỹ sản xuất, nên mẫu khí tài này đòi hỏi khâu hậu cần kéo dài đến tận xứ sở cờ hoa.

Các bộ phận chính của xe tăng Abrams bị hao mòn hoặc hư hỏng trong chiến đấu sẽ cần được thay thế bằng sản phẩm do Mỹ chế tạo. Do đó, chúng dự kiến sẽ phải được gửi đến một trạm sửa chữa ở Ukraine hoặc có thể tại Ba Lan, nước láng giềng cũng đang tìm cách sắm một dàn xe tăng Abrams cho riêng họ.

Theo ông Thompson, Lầu Năm góc nhìn chung giỏi giải quyết các vấn đề hậu cần khó khăn. Song, lần này, rủi ro đối với cả Mỹ và Ukraine đều cao.

Vì các lí do trên, ông Thompson tin, “khả năng hỗ trợ xe tăng Leopard 2 từ một căn cứ hậu cần châu Âu chắc chắn là điều tốt hơn”.

Leopard 2 là mẫu xe tăng đang được sử dụng ở 13 quốc gia châu Âu. Nhà phân tích Drummond cho rằng, với hơn 4.000 xe tăng loại này hiện trong biên chế, “các phụ tùng thay thế luôn sẵn có từ nhiều nguồn”. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của Leopard 2 đối với quân đội Ukraine trong cuộc đối đầu với các lực lượng Nga vẫn cần thời gian mới sáng tỏ.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-xe-tang-phuong-tay-rat-lau-moi-duoc-dung-o-tien-tuyen-ukraine-2135931.html