Việt Nam-Trung Quốc: Kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai

Ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra trang sử mới cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 9/10/2020, Đại sứ Phạm Sao Mai hội kiến Thị trưởng thành phố Thượng Hải Cung Chính nhân chuyến thăm làm việc tại Thượng Hải.

Ngày 9/10/2020, Đại sứ Phạm Sao Mai hội kiến Thị trưởng thành phố Thượng Hải Cung Chính nhân chuyến thăm làm việc tại Thượng Hải.

Quan hệ toàn diện

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải. Trải qua 70 năm, tuy có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính của quan hệ Việt - Trung. Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, hợp tác Việt-Trung đã phát triển mạnh mẽ, khuôn khổ quan hệ hai nước không ngừng được nâng cấp. Tháng 5/2008, hai nước chính thức thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”, mở ra thời kỳ mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước.

Với nỗ lực chung của các cấp, các ngành và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Quan hệ chính trị được tăng cường, giao lưu tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt. Hằng năm đều có các đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên thăm lẫn nhau, đi sâu trao đổi về những định hướng và biện pháp nhằm phát triển quan hệ song phương, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, cũng như xử lý một số vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước.

Giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ ngành quan trọng hai bên như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an... ngày càng mở rộng, cơ chế hóa và đi vào chiều sâu. Đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác các cấp, các ngành, nổi bật là Gặp gỡ cấp cao hai Đảng, Hội thảo lý luận hai Đảng, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới...

Hợp tác giữa các địa phương hai bên ngày càng được mở rộng, góp phần làm phong phú thêm nội hàm quan hệ hai nước. Kể từ thập niên 1990 đến nay, đã có khoảng 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc. Các địa phương có chung đường biên giới đã thành lập nhiều cơ chế gặp gỡ, hội nghị định kỳ nhằm tăng cường hữu nghị và hợp tác, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hợp tác thực chất

Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ và là điểm sáng trong tổng thể quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ phát triển sâu rộng và ngày càng thực chất.

Về thương mại, Việt Nam bốn năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và từ giữa năm 2020 đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Trung Quốc trên toàn thế giới; Trung Quốc liên tục kể từ năm 2004 là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung năm 2019 đạt xấp xỉ 117 tỷ USD, tăng gấp hơn 3.600 lần so với năm 1991; trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 117,09 tỷ USD (số liệu thống kê của Trung Quốc là 170,7 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 43,145 tỷ USD, tăng 16%, và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 73,945 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2020, Trung Quốc có gần 3.000 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, đứng thứ bảy trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Có thể khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu thị trường thế giới suy giảm mạnh, hợp tác kinh tế giữa hai nước có thể đạt thành quả tích cực như vậy là nhờ vào sự nỗ lực rất lớn của cả hai bên; cho thấy tiềm năng, nhu cầu hợp tác rất lớn của hai bên, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của đông đảo doanh nghiệp và người dân hai nước.

Hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân giữa hai nước diễn ra sôi động và ngày càng mật thiết. Hai bên không chỉ phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị phong phú với quy mô lớn; duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu giữa nhân sỹ các giới như văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tôn giáo...

Năm 2019, hai bên có tổng cộng gần 20 triệu lượt người dân hai nước qua lại, hằng tuần có hơn 500 chuyến bay; trên 11.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 lưu học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cơ quan chức năng hai nước đang tích cực trao đổi nhằm sớm nối lại các chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai nước.

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, với nỗ lực chung của cả hai bên, trên tinh thần hữu nghị, chân thành, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế, hai bên đã cơ bản giải quyết thỏa đáng hai trong ba vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước là phân định biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 23/8/2020, tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng, hai bên đã tổ chức trọng thể “Lễ kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 10 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc”, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và nỗ lực của hai bên trong việc xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hiện nay, hai nước còn có bất đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn đề trên biển. Hai bên đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ và ba cơ chế đàm phán Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt và xử lý thỏa đáng bất đồng, không có các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Ôn lại chặng đường 70 năm mà hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt - Trung đã cùng nhau đi qua, chúng ta càng thêm trân trọng những thành quả to lớn mà hai bên có được ngày hôm nay. Hai bên cần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, củng cố và làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị truyền thống; nỗ lực đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam bốn năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và từ giữa năm 2020 đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Trung Quốc trên toàn thế giới. Trung Quốc liên tục kể từ năm 2004 là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung năm 2019 đạt xấp xỉ 117 tỷ USD, tăng gấp hơn 3.600 lần so với năm 1991. Tính đến cuối tháng 6/2020, Trung Quốc có gần 3.000 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, đứng thứ bảy trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-quoc-ke-thua-truyen-thong-huong-toi-tuong-lai-133932.html