Vĩnh Phúc bảo tồn và phát huy Hát Soọng cô của đồng bào Sán Dìu

Điệu Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào Sán Dìu ở huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc này, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Đảo đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, mang lại hiệu quả tích cực.

Hát Soọng cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến Xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em…Các điệu hát Soọng cô giàu tính dân tộc, phản ánh cuộc sống lao động của Nhân dân, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi của người Sán Dìu. Đặc điểm các bài hát dân ca của dân tộc Sán Dìu thường có 4 câu 7 chữ, gọi là " thất ngôn tứ tuyệt" hoặc 28 chữ hay 24 chữ. Những bài hát chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Hán nôm. Lời bài hát có nhiều ẩn ý, nhiều khi phải suy ra nên lời bài hát rất uyên thâm. Mỗi cuộc hát Soọng cô có thể kéo dài 5 - 7 ngày, có khi tới 15 ngày, từ làng này qua làng khác. Trình tự cuộc hát thường bắt đầu từ "hát làm quen", đến "hát chào hỏi", "hát sang canh gà gáy", "hát chia tay"…

Các nghệ nhân truyền dạy hát Soọng cô - Dân ca Sán Dìu

Nghệ nhân Lăng Thị Leo chia sẻ "Dân ca Sán Dìu chủ yếu được truyền khẩu trong dân gian, một số bài hát truyền khẩu đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Đứng trước thực tế đó, các cấp chính quyền huyện Tam Đảo đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng và hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian của người Sán Dìu để bảo tồn loại hình dân ca độc đáo này. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được hơn 20 CLB hát Soọng cô, riêng xã Đạo Trù có 15 CLB với đông đảo hội viên và nghệ nhân tham gia''.

Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc sống rải rác ở chân núi Tam Đảo, kéo dài từ xã Đạo Trù (Tam Đảo) xuống đến Ngọc Thanh (TP. Phúc Yên) với hơn 30.000 người. Tuy nhiên, ngày càng ít người trẻ tuổi biết nói tiếng mẹ đẻ và hát Soọng cô. CLB hát dân ca Soọng cô mở lớp dạy nói, dạy hát là một tín hiệu tích cực cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu. Ngoài duy trì sinh hoạt thường xuyên, các CLB tích cực tham gia biểu diễn, giao lưu, giới thiệu tới nhân dân, du khách về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Vĩnh Phúc. Tam Đảo là một huyện phát triển kinh tế du lịch, việc bảo tồn và phát huy Dân ca Sán Dìu không chỉ góp phần giữ gìn văn hóa mà còn góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Như Thủy

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/vinh-phuc-bao-ton-va-phat-huy-hat-soong-co-cua-dong-bao-san-diu-20231210190852032.htm