Xây dựng cổng trường an toàn

Hạ tầng giao thông còn hạn chế, trong khi ý thức của một bộ phận cha mẹ học sinh khi đưa đón con chưa cao, dẫn đến tình trạng ùn tắc, thiếu an toàn vẫn diễn ra tại nhiều khu vực cổng trường học. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của thành phố, các lực lượng tại địa phương và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ hơn.

Đồ họa mô hình dự kiến áp dụng tại cổng Trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông (Hà Nội).

Đầu tháng 10/2023, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã ra quân triển khai mô hình điểm “Cổng trường an toàn-văn minh” tại Trường mầm non Lý Thái Tổ 2 và Trường tiểu học Lý Thái Tổ. Các trường này nằm trên hai tuyến phố giao nhau: Nguyễn Thị Định và Nguyễn Thị Thập. Hai mặt phố nhiều nhà hàng, quán nước và cơ sở kinh doanh; trước cổng trường thường có ô-tô đỗ trái phép gây cản trở giao thông và thường xuyên ùn tắc, nhất là giờ cao điểm.

Theo bà Huỳnh Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thái Tổ cho biết, kế hoạch thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn-văn minh” đã nhận được sự đồng thuận của 100% cán bộ, giáo viên và cha, mẹ học sinh toàn trường. Cùng với đó, trường đã cải tạo lại vỉa hè, làm hàng rào mềm ngăn ô-tô lấn chiếm vỉa hè, phân khu để xe cho cha, mẹ khi đưa đón con, làm biển báo, chỉ dẫn các phương tiện giao thông, giữ gìn vệ sinh khu vực cổng trường, phân công lực lượng bảo vệ thực hiện phân luồng, hướng dẫn.

Vào buổi sáng và chiều tối hằng ngày, công an phường và lực lượng tự quản gồm hội viên Hội Cựu chiến binh, Bảo vệ dân phố, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên chia làm ba tổ công tác luân phiên thực hiện nhiệm vụ.

Phó trưởng Công an phường Trung Hòa Chu Đình Cường

Sau một thời gian thực hiện, bà Nguyễn Thu Hiền trú ở phố Nguyễn Thị Định cho biết: “Hiện khu vực chung quanh cổng trường không còn hàng quán bán rong. Các bậc cha, mẹ học sinh dừng, đỗ xe gọn ghẽ trên hè, không gây ùn tắc như trước. Việc làm này góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện; hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, phụ huynh”.

Đại diện Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cho biết, hầu hết các trường học nằm trên phố chính. Trước cổng trường học còn thiếu các vị trí đỗ xe, nhất là chỗ đỗ xe dành cho cha mẹ học sinh. Điều này gây tình trạng ùn tắc vào giờ đến trường và giờ tan học tại khu vực cổng trường, ảnh hưởng đến các phụ huynh, học sinh và cả những người dân sinh sống ở khu vực chung quanh.

Bên cạnh đó, khu vực cổng trường học chưa hình thành được hệ thống các tuyến đường riêng dành cho đối tượng yếu thế, thí dụ: Đường đi bộ, đường dành riêng cho xe đạp và sau đó là xe máy. Lối đi bộ thường hay bị chiếm dụng để kinh doanh hoặc đỗ xe, gây lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông. Điều này đòi hỏi các trường học, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng này.

Từ thực tế này, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS)-giai đoạn 2021-2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, dự án hỗ trợ bốn hợp phần chính gồm: Hạ tầng giao thông; cưỡng chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền và truyền thông về an toàn giao thông; dữ liệu và giám sát.

Năm 2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với tư vấn của dự án và các đơn vị liên quan rà soát lựa chọn thực hiện triển khai tại ba địa điểm có những điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau, gồm: Cụm trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); Cụm Trường mầm non Sài Sơn B, tiểu học Sài Sơn A, trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ và học sinh cùng phối hợp thực hiện khu vực cổng trường an toàn, trật tự, dự án sẽ thực hiện ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.

Dự án cũng sẽ thu hẹp làn di chuyển của các phương tiện cơ giới nhằm làm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học. Đồng thời mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng cho học sinh.

Bà Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết: “Trường hiện có khoảng hơn 2.300 học sinh. Chúng tôi đã bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp với lực lượng dân phòng và Công an phường Văn Quán để giải quyết ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra”. Bà Vân cho rằng, vấn đề ùn tắc gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường sẽ không thể giải quyết triệt để nếu thiếu sự phối hợp từ người dân, các bậc cha mẹ và học sinh. Để tuyên truyền cho mọi người biết về ý nghĩa của dự án và để thực hiện đúng, cần một kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sinh động, dễ tiếp nhận.

“Khi các dự án được triển khai, cũng cần áp dụng quy định xử phạt mang tính răn đe với các trường hợp vi phạm. Nếu người dân không tuân thủ, chấp hành theo hướng dẫn giao thông ở các khu vực cổng trường thì cần xử lý nghiêm khắc để bảo đảm an toàn giao thông, giảm nguy cơ tai nạn cho học sinh”, đại diện Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội nhìn nhận.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-cong-truong-an-toan-post779050.html