Xây dựng nông thôn mới ở Mộc Châu • Kỳ 1: Bước đột phá trên cao nguyên

Mộc Châu là vùng đất du lịch nổi tiếng với những đặc sản nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, đây cũng là huyện có địa bàn rộng, kinh tế xã hội ở những xã, bản khu vực vùng cao, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Mộc Châu đang thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách bài bản.

Cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng

Huyện Mộc Châu hiện có 2 thị trấn và 13 xã. Khu vực nông thôn có đến 88,3% diện tích đất nông nghiệp, người dân khu vực nông thôn chiếm xấp xỉ 60%, số đơn vị hành chính cấp xã cao. Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Mộc Châu đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; diện mạo nông thôn khởi sắc và liên tục phát triển. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 6/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; toàn huyện đạt chuẩn 203 tiêu chí, bình quân đạt 15,61 tiêu chí/xã.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang ở xã biên giới Chiềng Khừa.

Tuy nhiên, đời sống của người dân ở một số vùng nông thôn của huyện còn thấp so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức chưa phù hợp, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai của huyện; vấn đề môi trường nông thôn còn nhiều bất cập, việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn chưa được thực hiện gây tác động xấu đến môi trường; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, khả năng huy động nguồn lực tại địa phương còn thấp; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư còn hạn chế; tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác khó kiểm soát tại các khu vực biên giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và giữ vững các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường...

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV với 17 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá. Ban hành và tập trung triển khai thực hiện 8 đề án, các kết luận, chỉ thị, thông báo, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

Nhà văn hóa xã Lóng Sập được xây dựng khang trang.

Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện là chương trình hành động rất cụ thể với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, xóa dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Các chủ trương trên là tâm huyết và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền huyện với nhân dân trên địa bàn, đặc biệt nhân dân khu vực nông thôn, nhằm đảm bảo hạ tầng thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân khu vực nông thôn.

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

UBND huyện Mộc Châu đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy bằng các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể và tập trung chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, như: Quản lý, vận hành thu gom chất thải rắn nông thôn; xử lý các công trình xây dựng lấn, chiếm đất suối; triển khai đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đường ngõ, xóm; xây dựng mới, sửa chữa nhà văn hóa bản, tiểu khu trên địa bàn; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025; đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế - xã hội 10 bản giáp biên giới...

Mô hình xã hội hóa thu gom rác thải ở xã biên giới Chiềng Sơn.

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã rà soát, cập nhật các vị trí bãi rác vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022, gồm: Bãi rác thải xã Chiềng Sơn 3,99 ha; Nhà máy xử lý môi trường huyện Mộc Châu tại xã Mường Sang với diện tích 10,28 ha; điểm thu gom rác thải thị trấn Nông trường Mộc Châu 0,47 ha; Xây dựng bãi chôn lấp rác thải huyện Mộc Châu với diện tích 3,38 ha và bãi rác thải tại các xã: Chiềng Khừa, Nà Mường, Tà Lại, Lóng Sập, Chiềng Hắc, Tân Lập với tổng diện tích 6,56 ha...

Tại xã Chiềng Sơn, UBND xã đã chỉ đạo các bản thực hiện thu gom rác thải vào ngày thứ ba hàng tuần thu gom đến bãi rác tập trung của xã để tập kết, xử lý với khối lượng rác thải các loại khoảng 35m³ khối/tháng; đối với các bản ở xa trung tâm, giao các hộ dân tự đào hố chôn lấp rác tại các vườn đồi. Duy trì vệ sinh môi trường ngày đầu tuần và trong tháng, thực hiện kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác phụ trách đôn đốc thực hiện tiêu chí môi trường như dọn dẹp vệ sinh môi trường ngày chủ nhật tuần đầu hàng tháng.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoằng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn, cho biết: Năm 2021, xã đã tổ chức dọn vệ sinh được 60 đợt, với 15.350 lượt người tham gia. Xã đã thành lập 1 tổ thực hiện dịch vụ thu gom rác thải thường xuyên vào ngày thứ ba hàng tuần thu gom rác tại 10 bản, tiểu khu ở khu vực trung tâm xã đến bãi rác thải tập trung của xã.

Tại xã Chiềng Hắc, UBND xã cũng đã thành lập Tổ thu gom rác tại các bản Tây Hưng, Ta Niết, Nong Phú, Tán Thuật, Tà Số 1, Tà Số 2, Phá Phang 1... Các bản thành lập thành lập Tổ thu gom rác và đầu tư xe chở rác. Đơn cử như bản Ta Niết, với địa hình dốc nên bản đã đầu tư 1 chiếc xe máy kéo trị giá 12 triệu đồng để thu gom rác thay vì buộc thùng rác vào xe máy như các bản khác; số lượng hộ dân đông, bản đã thành lập Tổ thu gom rác với 5 thành viên, thay vì 3 thành viên như một số bản khác...

Hệ thống điện chiếu sáng đầu tiên được triển khai thí điểm ở bản Tà Phềnh, xã Tân Lập.

Với phương châm “Nhân dân đầu tư xây dựng ban đầu, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm và vận hành công trình”, huyện Mộc Châu đã triển khai thí điểm hệ thống điện chiếu sáng đường ngõ, xóm trên địa bàn. UBND huyện sẽ hỗ trợ chi trả tiền điện hàng tháng với mức quy định 20 triệu đồng/năm/km. Bản Tà Phềnh, xã Tân Lập là bản đầu tiên thực hiện thí điểm làm điện chiếu sáng đường ngõ, xóm.

Anh Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, chia sẻ: Sau khi bản Tà Phềnh hoàn thành việc lắp đặt điện chiếu sáng, các bản TĐC Nà Tân, bản Hoa, tiểu khu 12 đã đăng ký với UBND xã lắp đặt điện chiếu sáng và đã hoàn thành khoảng 4 km. Bà con rất phấn khởi bởi ban đêm đi lại thuận lợi, an ninh được đảm bảo.

Chỉ sau 1 năm thực hiện chủ trương triển khai thí điểm đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đường ngõ, xóm ở các xã, toàn huyện đã đầu tư xây dựng được hơn 182 km điện chiếu sáng, tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ 291 triệu đồng. Các công trình xây dựng hoàn thành từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chiếu sáng của nhân dân và góp phần bảo đảm an ninh trật tự

Đồng chí Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng mới, nhà văn hóa bản, tiểu khu trên địa bàn huyện Mộc Châu giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã rà soát danh mục dự án đầu tư xây dựng mới; nâng cấp, sửa chữa các nhà văn hóa bản, tiểu khu theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo đó, tổng nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa các nhà văn hóa xã, bản, tiểu khu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là 62 dự án, hiện đã xây dựng mới 40 nhà văn hóa, sửa chữa 22 nhà văn hóa, tổng vốn đầu tư khoảng 63 tỷ đồng (trong đó vốn xã hội hóa huy động được 4,9 tỷ đồng). Về đường giao thông nông thôn, UBND huyện Mộc Châu ban hành Quyết định số 246/QĐ-UBND ngày 16/2/2022 về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn đã được sự đồng thuận của nhân dân, với kết quả đăng ký thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 có tổng chiều dài hơn 150 km, trong đó năm 2022 sẽ thực hiện gần 28 km, đặc biệt triển khai tại các bản biên giới (bản khó khăn) là 9,5 km...

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Mộc Châu đã và đang được thực hiện khoa học, bài bản, đưa vào nghị quyết Đảng bộ, tới các đề án được HĐND huyện thông qua, UBND huyện ban hành các kế hoạch để thực hiện chương trình để có những bước đi cụ thể, vững chắc.

(Còn nữa)

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xay-dung-nong-thon-moi-o-moc-chau--ky-1-buoc-dot-pha-tren-cao-nguyen-49399