Xóa bỏ mặc cảm, giúp phạm nhân chấp hành xong án phạt tái hòa nhập cộng đồng

'Giảm thiểu tái phạm thông qua các chương trình tái hòa nhập cộng đồng trước và sau khi phạm nhân chấp hành án phạt tù', là Chủ đề thứ 3 được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41).

"Không ai bị bỏ lại phía sau"

Theo Ban tổ chức APCCA, vấn đề tái hòa nhập cộng đồng luôn được quan tâm với những người phạm tội đã chấp hành xong án phạt tại các trại giam giữ. Bản chất của tái hòa nhập cộng đồng xét về mặt xã hội là quá trình quay trở lại với xã hội, tham gia vào các mối quan hệ với tư cách là chủ thể của các quan hệ xã hội đó; nếu xét về khía cạnh pháp lý, đó là quá trình phục hồi tư cách công dân, các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Tại Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng nên ban hành nhiều luật, nghị định, chỉ thị, bảo đảm cho phạm nhân mãn hạn tù được vay vốn ngân hàng học nghề và sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Phạm nhân giao lưu văn nghệ trong trại giam.

Cạnh đó, chính phủ cũng quy định, trước khi chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phải thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho phạm nhân được tái hòa nhập cộng đồng như: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.

Chương trình này thực hiện trong khoảng hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án, nhằm cung cấp kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập.

Nội dung tư vấn bao gồm: Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe, phòng chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan; hỗ trợ cho phạm nhân các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác…

Các chương trình giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

Sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về xã hội, trách nhiệm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng là của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương.

Các biện pháp, chương trình tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện gồm: Tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái vi phạm pháp luật.

Nội dung thông thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng thông thường là các Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; Nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Ngoài ra, có thể tổ chức đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù. Đây là biện pháp quan trọng giúp người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống ổn định.

Để làm tốt chương trình tái hòa nhập, Chính phủ quy định rõ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp; Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Nhà nước còn khuyến khích thêm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù; khuyến khích tiếp nhận họ vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41) diễn ra tại Hà Nội từ 12-16/11/2023.

Dự hội nghị có các cơ quan ngoại giao, trưởng Đoàn đại biểu thành viên APCCA và các nước khách mời: Tây Úc, Nam Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Fiji, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma cao (Trung Quốc), Malaysia, Mông Cổ, Nauru, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Vanuatu, Maldives.

Ngoài ra, tham dự còn có đại diện các tổ chức quốc tế: Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC); Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á - Viễn đông của Liên hợp quốc (UNAFEI); Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC); Giáo sư Neil Morgan và bà Irene Morgan - Điều phối viên Hội nghị.

Về phía đoàn đại biểu và khách mời Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà; Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Chủ tịch Hội nghị APCCA năm 2023; Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xoa-bo-mac-cam-giup-pham-nhan-chap-hanh-xong-an-phat-tai-hoa-nhap-cong-dong-post1587268.tpo