Xúc động gặp lại nhân chứng lịch sử trong bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều người dân Thủ đô đã hết sức xúc động khi được gặp một số nhân chứng trong bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trưng bày 'Bác Hồ với thủ đô Hà Nội'.

Sáng nay (18/5), Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc trưng bày “Bác Hồ với thủ đô Hà Nội” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày “Bác Hồ với thủ đô Hà Nội” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023)

Hà Nội là nơi ghi dấu tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Tư tưởng, tình cảm và những lời căn dặn ân cần, sâu sắc của Người đến nay là di sản vô giá, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Các đại biểu tham dự khai mạc nghe giới thiệu các tài liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc rất nhiều nơi; trong đó Thủ đô Hà Nội là nơi Người gắn bó lâu nhất (17 năm, từ năm 1945 - năm 1946 và từ năm 1954 - năm 1969). Hà Nội ghi dấu 292 địa danh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.

Đông đảo người dân đến với trưng bày

Ở nội dung “Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ” công chúng đã được chứng kiến, tìm hiểu về những địa điểm ghi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động các mạng của Bác Hồ tại Hà Nội, như: Hà Nội đón Bác, Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Hà Nội đóng góp tinh thần vật chất cho kháng chiến: Phong trào hũ gạo cứu đói, diệt giặc dốt, mít tinh, bầu cử… Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, Ngày Bác đi xa.

Nhiều bạn trẻ tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với nội dung “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”, trưng bày giới thiệu các tài liệu về sự quan tâm, chỉ đạo của Bác Hồ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trên các lĩnh vực: Xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; Xây dựng an ninh quốc phòng; Phát triển kinh tế; Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; Tình cảm của Người với các tầng lớp nhân dân: phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng...

Bộ bàn ghế làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong thời gian ở nhà của ông Nguyễn Đình Khuê, Cần Kiệm, Thạch Thất, năm 1947

Còn ở nội dung “Hà Nội làm theo lời Bác” giới thiệu các tài liệu về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, cố gắng, đoàn kết một lòng xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại. Quy hoạch phát triển Thủ đô; Thành tựu phát triển kinh tế; Xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; Phát triển người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Gầu giai - Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Nguyễn Văn Lộc tát nước tại cánh đồng thôn Đô Đức, xã Hồng Thái (Thường Tín), ngày 30/1/1963

Tại sự kiện đã diễn ra buổi giao lưu chia sẻ đầy xúc động của các nhân chứng lịch sử và hiến tặng hiện vật. Đó là bà Lê Bích Châu - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình - nhân chứng lịch sử trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi, ngày 1/1/1956 tại Phủ Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Nga - nhân chứng lịch sử trong bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội Thể thao Thủ đô, vào tháng 2/1961.

Đã hơn 80 tuổi, nhưng bà Lê Bích Châu rất minh mẫn, giọng nói trầm ấm khi chia sẻ về kỷ niệm năm 13 tuổi bà được chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1956 tại Phủ Chủ tịch. Bà cho hay, trong ký ức thời điểm đó, Bác Hồ đẹp như một ông tiên, tác phong nhanh nhẹ, giản dị. "Đặc biệt nhất, Bác Hồ luôn thể hiện sự ân cần, quan tâm đến nhân dân. Lúc gặp chúng tôi, Bác hỏi từng cháu học lớp mấy, bố mẹ có khỏe không?"- bà Châu nhớ lại.

Bà Lê Bích Châu - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình - một trong các nhân chứng trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi, ngày 1/1/1956 tại Phủ Chủ tịch

Bà Nguyễn Thị Nga – nhân chứng lịch sử trong bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội Thể thao Thủ đô, vào tháng 2/1961

Với bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1940) nhân chứng lịch sử trong bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội Thể thao Thủ đô, vào tháng 2/1961 cũng không giấu được xúc động khi chia sẻ về kỷ niệm được gặp Bác Hồ 2 lần trong cuộc đời, trong đó ký ứng sống mãi trong tâm trí đó là ngày bà được chụp ảnh cùng Người nhân dịp đại hội Thể thao Thủ đô lần thứ nhất.

"Hai lần được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự lớn nhất của tôi. Ngày Bác mất, tôi mới sinh con được 10 ngày, lúc đó cơ thể còn yếu, nhưng nếu không được đến viếng Bác sẽ là một tiếc nuối rất lớn trong cuộc đời. Thấu hiểu mong mỏi này của vợ, chồng tôi lúc đó đã đưa tôi đến lăng viếng Bác"- bà Nga bùi ngùi nói.

Toàn bộ không gian trưng bày được trang trí theo nghệ thuật sắp đặt, như một lời tri ân và là tấm lòng của những người dân Hà Nội luôn biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc

Cùng với trưng bày “Bác Hồ với thủ đô Hà Nội”, Bảo tàng Hà Nội đồng thời trưng bày giới thiệu gần 40 tác phẩm Sen thư pháp kết hợp với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu châm ngôn về cuộc sống vô cùng ý nghĩa.

Đây là những bức Sen thư pháp nằm trong bộ sưu tập "Sen trong đời sống văn hóa Việt" của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - kỷ lục gia được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 17/4/2021, là người sở hữu bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm có hình tượng Sen và đã được triển lãm ở nhiều nơi trong nước.

Trong không gian trưng bày “Bác Hồ với thủ đô Hà Nội” và Sen thư pháp, Bảo tàng Hà Nội còn bố trí một góc thư viện để phục vụ khách tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày mở cửa đón khách từ ngày 18/5/2023 và kéo dài đến hết năm 2023.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-dong-gap-lai-nhan-chung-lich-su-trong-buc-anh-chup-cung-chu-tich-ho-chi-minh-254603.html