12 'thiên đường trần gian' có nguy cơ biến mất

Do biến đổi khí hậu hay tác động của con người, đền Taj Mahal, rừng Amazon hay thành phố Venice,... là những 'thiên đường trần gian' có nguy cơ biến mất.

The Richest liệt kê rạn san hô Great Barrier ở Australia vào trong danh sách “ thiên đường trần gian” có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Các nhà khoa học dự đoán, hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới này có nguy cơ biến mất hoàn toàn vào khoảng năm 2030. Trong 30 năm qua, do nhiệt độ tăng, diện tích của rạn san hô Great Barrier đã bị giảm một nửa.

Rừng Tasmania đối mặt với rủi ro khi những trận cháy rừng liên tiếp xảy ra. Nếu những đám cháy không được khống chế thì khu rừng này có nguy cơ “tuyệt chủng”.

Đảo Seychelles nằm ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển Madagascar. Bờ biển bị xói mòn và mực nước biển dâng cao khiến hòn đảo này đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong vòng 50 đến 100 năm tới.

Đền Taj Mahal, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Ấn Độ và cũng là một trong 7 kỳ quan thế giới, có thể không tồn tại được ở đây trong thời gian dài hơn nữa nếu nó tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm.

Kim Tự Tháp và Tượng nhân sư lớn ở Giza, Ai Cập cũng có nguy cơ biến mất vì tình trạng xói mòn do ô nhiễm gây ra.

Thành phố Venice của Italy đang dần dần bị ngập trong nước suốt 100 năm qua do mực nước biển dâng cao và tình trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng.

Thành phố Babylon, thủ đô của Babylonia, đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá nghiêm trọng.

Biển Chết nằm trên biên giới Israel và Jordan. Lý do chính dẫn đến nguy cơ biến mất của Biển Chết là do các quốc gia xung quanh hồ nước này tiếp tục lấy nước từ sông Jordan (nguồn nước duy nhất của Biển Chết). Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, Biển Chết có thể biến mất trong 5 thập kỷ tới.

Congo Basin là khu rừng mưa lớn thứ hai trên thế giới, với hơn chục nghìn loài thực vật, một nghìn loài chim và 400 loài động vật có vú. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc dự đoán, 2/3 của khu rừng có diện tích 1,3 triệu dặm vuông này có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2040. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác, canh tác, trồng trọt, chăn nuôi trái phép cũng như chiến tranh du kích.

Tình trạng biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến dãy núi Alps. Mỗi năm, dãy núi mất khoảng 3% lượng băng. Nếu tiếp tục như vậy, đến năm 2050, băng trên dãy núi này sẽ không còn nữa.

Vạn lý trường thành của Trung Quốc cũng đang có nguy cơ bị phá hủy trong vòng 20 năm tới nếu các biện pháp bảo vệ không được thực hiện. Tình trạng xói mòn tự nhiên và tác động của con người đã phá hủy khoảng 2.000 km (30%) của Vạn lý trường thành.

Rừng Amazon ở Nam Mỹ là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới (khoảng hơn 2 triệu dặm vuông) và là nơi cư ngụ của một số loài đa dạng nhất hành tinh. Tuy nhiên, khu rừng này có thể không tồn tại được trong thời gian dài vì tình trạng phá rừng.

Thiên An (Theo Richest)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ho-so/12-thien-duong-tran-gian-co-nguy-co-bien-mat-631644.html