ECB quyết định giữ lãi suất ổn định, để ngỏ khả năng cắt giảm trong tương lai

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã duy trì lãi suất ở mức kỷ lục trong cuộc họp thứ 5 liên tiếp, cũng như gửi đi tín hiệu rõ ràng về khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai khi tình hình lạm phát Eurozone tiếp tục giảm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giữ nguyên lãi suất. (Ảnh: Politico)

"Nếu đánh giá cập nhật của Hội đồng Quản trị về triển vọng lạm phát, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh truyền tải chính sách tiền tệ làm tăng thêm niềm tin rằng lạm phát đang hội tụ đến mục tiêu một cách bền vững, sẽ là phù hợp nếu giảm mức độ hạn chế chính sách tiền tệ hiện tại”, ECB thông tin.

Lãi suất cơ bản đã được ECB tăng lên mức kỷ lục 4% vào tháng 9/2023 và từ đó, không có thay đổi trong 5 cuộc họp liên tiếp sau đó. Tuy nhiên, với việc lạm phát gần đạt mục tiêu 2% của ECB, hoạt động cho vay của ngân hàng đang trì trệ và tăng trưởng kinh tế gần như không có, ECB đã đưa ra những gợi ý về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Các nhà hoạch định chính sách và kinh tế đã đặt tháng 6 là thời điểm mà lãi suất có thể bắt đầu giảm, sau khi ECB giảm dự báo lạm phát trung hạn. Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng giảm nhiều hơn so với dự kiến vào tháng 3.

ECB cho biết, thông tin sắp tới đã "xác nhận rộng rãi" triển vọng trung hạn của ngân hàng, với sự giảm giá của lương thực và hàng hóa.

Tháng 6 cũng sẽ là tháng đầu tiên các nhà hoạch định chính sách có được dữ liệu đầy đủ về cuộc đàm phán tiền lương trong quý I - một lĩnh vực đang gây lo ngại về tác động lạm phát tiềm ẩn.

Tuy nhiên, quyết định này có thể trở nên phức tạp hơn khi không chắc chắn liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 6 hay không khi lạm phát ở Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh này, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) - Per Jansson cho biết, nếu Fed loại trừ việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024, điều đó có thể gây ra vấn đề cho cả Riksbank và ECB.

ECB và các ngân hàng trung ương khác đang hướng tới việc cắt giảm lãi suất sau chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất trong chu kỳ hiện tại vào ngày 21/3 vừa qua, trong khi Nhật Bản là trường hợp ngoại lệ khi nước này đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm vào ngày 19/3.

Tuấn Khang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ecb-quyet-dinh-giu-lai-suat-on-dinh-de-ngo-kha-nang-cat-giam-trong-tuong-lai-376972.html