Cần kết nối các nghiên cứu về di sản cảng cổ Vân Đồn

Theo sử sách chép lại, thương cảng cổ Vân Đồn có lịch sử hình thành từ thời Lý (năm 1149) và tồn tại kéo dài qua các thời, đặc biệt thịnh vượng dưới thời Trần rồi suy tàn dần và chấm dứt vào thời Nguyễn. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Di sản cổ và những phát hiện mới

Dấu vết di sản thương cảng cổ Vân Đồn còn lại đến ngày nay là một hệ thống các bến bãi kéo dài ở nhiều địa phương của Quảng Ninh. Đậm đặc nhất là ở Vân Đồn, với trung tâm của thương cảng xưa là 2 bến cổ (gồm bến Cống Đông - Cống Tây, xã Thắng Lợi và bến Cái Làng, xã Quan Lạn của Vân Đồn), đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia từ năm 2003. Với những giá trị lịch sử to lớn về nhiều mặt, các di tích của thương cảng cổ luôn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, khảo cổ học. Trong 6 năm gần đây, các thành viên Dự án khảo cổ học hàng hải Việt Nam (VMAP) và cán bộ Viện Khảo cổ học đã tiến hành 4 cuộc khảo sát, thăm dò, khai quật khảo cổ học tại Quan Lạn, Minh Châu.

Các cán bộ của tỉnh, địa phương tham quan các hiện vật phát hiện được trong đợt khai quật khảo cổ tại di tích Đồng Chổi, tháng 4/2019.

Qua đó cho thấy, các di tích và di vật khảo cổ học xuất lộ trên phạm vi rộng trong khu vực đảo Quan Lạn. Các nhà khoa học nhận định, khu vực Cống Cái - Sơn Hào và khu vực Cái Làng với dòng Cống Cái và dòng sông Mang chắc chắn đã là một vùng giao thương sôi động vào khoảng thế kỷ XII, XIII, thể hiện bằng sự có mặt của dấu tích kiến trúc, nhiều loại hình gốm sứ cao cấp và gốm men dân dụng đã phát hiện trước đây và các đồng tiền thời Tống tìm thấy trong khu vực này. Di tồn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở đây được xác định chắc chắn bởi các dấu tích trong các hố khai quật năm 2016 và có thể nhận diện qua khảo sát cảnh quan, địa hình khu vực Cống Cái - Sơn Hào...

Đặc biệt hơn nữa, các nhà khoa học đã khảo sát và phát hiện dấu tích cư trú của con người thời kỳ tiền sử thuộc văn hóa Hạ Long phân bố rộng trên gò Đồng Chổi (xã Minh Châu). Những phát hiện này tiếp tục được củng cố trong đợt khai quật di chỉ Đồng Chổi vào tháng 4 vừa qua. Theo đó, các nhà khoa học nhận định, đây có thể là 1 khu mộ địa của cư dân thời kỳ đồ đá mới, sống bằng phương thức khai thác nguồn lợi hải sản sử dụng công cụ đồ đá nhỏ, trao đổi nguyên liệu với các cư dân khác. Họ có thể là nhóm cư dân tham gia vào mạng lưới trao đổi hàng hải sớm nhất hiện biết ở khu vực đảo Quan Lạn.

Tiến sĩ Lê Thị Liên, cố vấn khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhấn mạnh: Lần đầu tiên có 1 di tích sớm ở khu vực thương cảng với nhiều giá trị đặc biệt. Đó là sự tập trung gốm rất cao, khoảng 1,5 tạ gốm rất mỏng chỉ trong diện tích 4m2; sự tập trung các loại đá nhỏ, cứng như đá thiên thạch và nhiều loại đá khác, không có ở địa phương. Việc sử dụng vật liệu này ngay từ thời kỳ đồ đá rất hiếm, ở các khu vực ven biển thường sử dụng để mổ cá. Đặc biệt có 1 mảnh đá rất lớn, được mài nhẵn bên trong…

Làm gì để bảo vệ di sản?

Với giá trị độc đáo của các di tích tiền - sơ sử và di sản thương cảng cổ được phát hiện mới tại hai xã Quan Lạn, Minh Châu, các nhà khoa học đề nghị việc tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các di tích thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn. Tuy nhiên, quá trình làm việc, đoàn phát hiện các di sản có nguy cơ bị xâm hại nặng nề. Đó là việc khu vực gò Đồng Chổi đang sử dụng làm nghĩa trang với các phần mộ và thềm mộ rất lớn. Hoạt động làm đường vận chuyển gỗ keo và đốt rừng dẫn đến sự biến mất của di sản giếng Tiền, các dấu tích kiến trúc dưới chân đồi Đình đã bị xe ủi đường chạy qua. Đó là hoạt động chồng lấn của quy hoạch các khu du lịch với di tích. Rồi hoạt động của nhà máy rác làm ảnh hưởng môi trường…

Các nhà khoa học thuộc Dự án khảo cổ học hàng hải và Viện khảo cổ học đã tham gia trong nhiều đợt thăm dò, khai quật khảo cổ từ năm 2014 đến nay.

Có sự chồng lấn này là bởi ngoài 2 bến cổ thì nhiều bến bãi khác nằm trong hệ thống di sản cảng cổ Vân Đồn đến nay vẫn chưa được xếp hạng nên không được khoanh vùng bảo vệ. Theo các lãnh đạo xã Quan Lạn, Minh Châu cho biết, quy hoạch nghĩa trang xã hiện ở bên Tập Lập nhưng cách trở sông nước vì chưa có cầu nên rất khó. Các địa phương hiện chỉ hạn chế bà con không chôn mộ mới thôi, còn mộ cũ chưa cải táng vẫn giữ ở đấy. Việc xây lăng mộ to là truyền thống lâu đời ở địa phương, thay đổi cần cả 1 quá trình.

Ông Đỗ Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết: Lò đốt rác liên quan đến quy hoạch, khi san gạt đã phát hiện di tích khảo cổ nhưng sau đó nhà máy rác vẫn tiếp tục xây dựng. Đó là một cái khó của địa phương. Qua thực tế hoạt động cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Về khai thác cát và chặt phá rừng, ở các vị trí liên quan đến thương cảng Vân Đồn đều đã được giao đất, giao rừng sản xuất từ năm 1997 đến 2005, khi tới kỳ thu hoạch nếu không cho khai thác, ai sẽ đền bù thiệt hại kinh tế cho bà con. Muốn khai thác phải có đường cho xe đi. Các vị trí đã khai quật hiện nằm trong khu vực khai thác cát giao cho Viglacera Vân Hải đến năm 2021 mới đóng mỏ…

Hiện trường một hố khai quật khảo cổ trên đảo Quan Lạn. Ảnh do đơn vị khảo cổ cung cấp.

Rõ ràng có những mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với văn hóa, vậy giải quyết bằng cách nào? Thiết nghĩ rất cần sự quan tâm hơn nữa, sự vào cuộc tích cực của tỉnh, các sở, ngành liên quan để có những quy hoạch phát triển mang tính chất lâu dài, đảm bảo sự đồng hành giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Ông Hồ Anh Tuấn, Phó Phòng VH-TT Vân Đồn, phân tích: Những giá trị di sản văn hóa này đã mất đi thì không thể lấy lại được. Qua 4 lần khảo sát, khai quật, các giá trị đã được khẳng định, ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, nhận thức qua mỗi lần cũng chỉ vỡ ra từng phần thôi, rất cần có những cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học có tầm vóc tương xứng để xâu chuỗi lại. Qua đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý của tỉnh, huyện tìm được tiếng nói chung với các nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về văn hóa.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Thị Liên bày tỏ thêm: Thế giới có di sản để phát triển, ta cũng nên học theo. Các nhà làm kinh tế và văn hóa nếu quay mặt lại với nhau, cùng bàn về một hướng đi chung thì ngành nào cũng phát triển và phát triển bền vững, nhất là với Quảng Ninh đang đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch xanh như hiện nay.

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201905/can-ket-noi-cac-nghien-cuu-ve-di-san-cang-co-van-don-2441011/