Chuyển đổi số báo chí, con người là yếu tố quan trọng.

Tiếp tục bàn câu chuyện về chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực báo chí, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết: Phải khẳng định xu hướng CĐS là tất yếu, khách quan. Trong lĩnh vực báo chí, CĐS là việc áp dụng công nghệ số hóa và Internet để sản xuất, phân phối và tiếp cận thông tin, từ đó dẫn đến thay đổi mô hình tổ chức hoạt động sản xuất và cung cấp, tương tác thông tin cho độc giả, khán thính giả, bạn xem đài… một các hiệu quả nhất. CĐS giúp cơ quan báo chí tối ưu nguồn lực phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

* Phóng viên (PV): Đâu là xu hướng về công nghệ trong CĐS báo chí hiện nay?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Một số xu hướng về công nghệ trong CĐS lĩnh vực báo chí, bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến: Ngày càng nhiều người tiếp cận thông tin qua các nền tảng trực tuyến như trang web tin tức, ứng dụng di động và mạng xã hội. Báo chí phải thích nghi bằng cách cung cấp nội dung hấp dẫn trên các nền tảng này để thu hút độc giả.

Thứ hai, phát triển nội dung đa phương tiện: Đối với báo chí truyền thống, bài viết và hình ảnh là phương tiện chính để truyền tải thông tin. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, nội dung đa phương tiện như video, podcast và đồ họa động trở nên phổ biến hơn.

Thứ ba, phân tích dữ liệu và tương tác với độc giả: Công nghệ số hóa cung cấp khả năng thu thập và phân tích dữ liệu từ người đọc. Báo chí có thể sử dụng dữ liệu này để hiểu hơn về sở thích và hành vi của độc giả, từ đó cung cấp nội dung tùy chỉnh và tương tác cá nhân hóa hay còn gọi là truyền thông trúng đích.

Thứ tư, sự phát triển của truyền thông xã hội: Mạng xã hội đang trở thành một kênh quan trọng để chia sẻ tin tức và thông tin. Báo chí sử dụng mạng xã hội nơi mà có sự hiện diện của tập người dùng rất lớn để tương tác với độc giả, lan truyền nội dung và xây dựng thương hiệu của báo.

Các phóng viên tác nghiệp tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trước khi thăm nhà giàn DK1 dịp xuân Quý Mão 2023.

Thứ năm, tiếp cận thông tin trong thời gian thực: Với công nghệ, thông tin có thể được cập nhật và truyền tải trong thời gian thực. Báo chí sử dụng các công cụ như livestreaming, blog trực tiếp.

Thứ sáu, tự động hóa quy trình sản xuất báo chí: Công nghệ cho phép tự động hóa nhiều quy trình sản xuất báo chí, từ việc thu thập thông tin, biên tập nội dung, đến việc xuất bản và phân phối. Điều này giúp tăng hiệu suất làm việc và giảm thời gian sản xuất báo chí.

Thứ bảy, chuyển đổi từ in ấn sang kỹ thuật số: Với sự phổ biến của thiết bị di động và sự tiện lợi của đọc tin tức trực tuyến, nhiều tờ báo truyền thống đã chuyển đổi từ phiên bản in ấn sang phiên bản kỹ thuật số, giảm hoặc không phát hành báo in, tập trung khai thác và phục vụ khách hàng số.

Thứ tám, bảo vệ quyền riêng tư và kiểm soát thông tin: Trong môi trường số, báo chí phải đảm bảo an ninh thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của độc giả. Điều này đòi hỏi sự chú trọng đến việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, cũng như xây dựng các chính sách bảo vệ dữ liệu phù hợp.

Thứ chín, tương tác và tham gia của độc giả: CĐS mở ra cơ hội cho sự tương tác và tham gia của độc giả. Báo chí có thể sử dụng các công cụ như hệ thống bình luận, khảo sát trực tuyến và mạng xã hội để tạo ra một cộng đồng độc giả tích cực, đồng thời thu thập phản hồi và ý kiến của độc giả để cải thiện nội dung.

* PV:Theo đồng chí những vấn đề mà báo chí Tiền Giang phải đối diện trong tiến trình CĐS?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Thực hiện CĐS trong lĩnh vực báo chí nói chung và báo chí trên địa bàn Tiền Giang nói riêng, có thể đối diện với một số khó khăn sau:

Thứ nhất, thay đổi văn hóa và thái độ: CĐS đòi hỏi sự thay đổi văn hóa và thái độ trong ngành Báo chí. Người làm báo và cơ quan báo chí cần chấp nhận và sẵn sàng thích nghi với với những thay đổi mới từ việc tiếp cận và sử dụng công nghệ mới, các quy trình làm việc và phương pháp phân phối nội dung cũng thay đổi.

Thứ hai, đào tạo và cập nhật kiến thức: Người làm báo cần được đào tạo để sử dụng các công nghệ và công cụ số hóa mới, học áp dụng các quy trình sản xuất mới. Điều này có thể thách thức đối với trình độ, kiến thức tiếp cận công nghệ của nguồn nhân lực hiện có (nhất là nguồn nhân lực lớn tuổi), từ đó đòi hỏi đầu tư thời gian và nguồn lực để cung cấp khóa học và đào tạo thích hợp.

Thứ ba, công nghệ và hạ tầng: Để thực hiện CĐS, cần có hạ tầng công nghệ phù hợp, bao gồm các hệ thống thông tin, đặc biệt là các phần mềm chuyên dụng và các ứng dụng phục vụ việc xuất bản và phân phối nội dung. Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và duy trì nó hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cung ứng 24/7 cho độc giả là một thách thức lớn về tài chính lẫn trình độ nguồn nhân lực;

Thứ tư, thói quen độc giả: Độc giả truyền thống vẫn còn, việc duy trì cả hai phương thức sản xuất và cung ứng thông tin cũng là thách thức cho sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động; cần thay đổi thói quen đọc và tiếp cận tin tức trên các nền tảng số. Điều này có thể đòi hỏi sự tạo ra nội dung hấp dẫn và dễ tiếp cận, cũng như công việc quảng bá để khuyến khích sử dụng các kênh truyền thông số hóa.

Thứ năm, cạnh tranh với các nền tảng truyền thông số lớn: Báo chí truyền thống thường phải cạnh tranh với các nền tảng truyền thông số lớn như mạng xã hội và các trang web tin tức trực tuyến. Để tồn tại và phát triển trong thời đại số, cần phải tạo ra những giá trị độc đáo và thu hút người đọc trên các kênh số.

Tuy nhiên, việc thực hiện CĐS cũng mang lại nhiều cơ hội cho báo chí, bao gồm tiếp cận đến một đối tượng độc giả rộng hơn, tương tác người dùng tốt hơn và khả năng phân phối nội dung nhanh chóng và rộng rãi.

* PV: Để CĐS trong lĩnh vực báo chí của Tiền Giang diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả cao, cần những giải pháp gì?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 348 phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp nội dung số.

Về công nghệ, trong quá trình thực hiện CĐS của báo chí Tiền Giang, có thể xem xét các giải pháp công nghệ dựa trên 9 xu thế công nghệ kể trên, trong đó liên quan các giải pháp về công nghệ cần chú ý, như: Xây dựng một trang web chuyên nghiệp có thể bắt đầu bằng việc phát triển một trang web đẹp, dễ sử dụng và tối ưu hóa cho các thiết bị di động. Phát triển ứng dụng di động/liên kết các nền tảng có sẵn nhằm sử dụng ứng dụng di động cho phép độc giả tiếp cận nội dung báo chí Tiền Giang trên điện thoại di động.

Cải thiện trải nghiệm đọc online thông qua việc tạo ra một giao diện đọc trực tuyến dễ dùng, trực quan và hấp dẫn cho người dùng; tạo nội dung đa phương tiện thông qua việc đầu tư vào sản xuất nội dung đa dạng như video, podcast, infographic và hình ảnh; cung cấp dịch vụ đăng ký trực tuyến. Liên quan công nghệ, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng công nghệ, đảm bảo nhân viên trong ngành Báo chí sử dụng thành thạo kỹ năng số và công nghệ mới và tạo ra môi trường khuyến khích sáng tạo và thích ứng với thay đổi…

Ngày 2-6-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 951 về việc ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Với 2 văn bản nêu trên, hiện nay các cơ quan báo chí ở Tiền Giang đang rà soát đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS ở đơn vị mình để từ đó đưa ra một số mục tiêu, định hướng, giải pháp để thực hiện CĐS phù hợp với lộ trình được Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở đó các cơ quan báo chí tỉnh cần xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS theo lộ trình, định hướng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Để CĐS thành công, có 3 yếu tố cơ bản quyết định thành bại của CĐS là con người, thể chế và công nghệ; các cơ quan báo chí tỉnh cần chú trọng 3 yếu tố trên để có giải pháp cụ thể trong quá trình tổ chức và thực hiện CĐS. Trước tiên, CĐS là việc chuyển đổi của con người nên đây là yếu tố quan trọng nhất. 2 vấn đề chính của con người trong CĐS là nhận thức và năng lực. Nhận thức của lãnh đạo là quan trọng hàng đầu, để có quyết tâm và lãnh đạo CĐS đúng, rồi đến nhận thức của mọi thành viên trong tổ chức. Năng lực liên quan đến đào tạo, cả đào tạo lực lượng nòng cốt cho CĐS và toàn bộ lực lượng tham gia sản xuất.

Về thể chế, các cơ quan báo chí cần bám sát các chủ trương, chính sách đã ban hành của Trung ương và của tỉnh (Nghị quyết 08 ngày 6-10-2021 của Tỉnh ủy về CĐS của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Để CĐS trong lĩnh vực báo chí của Tiền Giang diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả cao, trước tiên các cơ quan báo chí cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch phát triển cơ quan báo chí mình, trong đó nội dung xuyên suốt là lấy CĐS là động lực cho sự phát triển bền vững; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để thống nhất chỉ đạo triển khai đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và xuyên suốt theo lộ trình CĐS…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202306/giam-doc-so-thong-tin-va-truyen-thong-tinh-tien-giang-tran-van-dung-chuyen-doi-so-bao-chi-con-nguoi-la-yeu-to-quan-trong-983338/